Tích cực đưa hàng Việt về vùng núi, vùng sâu, vùng xa
Hàng Việt đến các tỉnh miền núi ngày càng phong phú, đa dạng |
Khuyến khích DN bán hàng giá thấp hơn thị trường 5 - 10%
Vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tổ chức khai mạc Phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng cao tại xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn. Phiên chợ có quy mô 24 gian hàng, trưng bày giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Đây là những sản phẩm có chất lượng, xuất xứ rõ ràng do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất, như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, thiết bị dụng cụ y tế, dụng cụ học sinh, hàng hóa phục vụ nông nghiệp, hàng gia dụng, giống cây trồng… Đây cũng là dịp để các DN tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh những mặt hàng phù hợp với đặc trưng của khu vực thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao.
Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn đã mở đầu cho chuỗi các đợt bán hàng Việt về nông thôn Bắc Kạn được tổ chức liên tục trong tháng 10 và tháng 11. Mỗi phiên chợ, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu có ít nhất 20 gian hàng, phục vụ bà con những mặt hàng thiết yếu nhất như lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, văn phòng phẩm… Các DN tham gia phiên chợ đều là DN chuyên kinh doanh hàng Việt, đảm bảo 100% hàng hóa có xuất xứ và nhãn mác Việt Nam, bền, giá thành phù hợp với điều kiện của bà con khu vực miền núi. DN được khuyến khích bán hàng với giá thấp hơn thị trường từ 5 - 10%. Nhờ đó, các phiên chợ được đánh giá là tương đối thành công khi mỗi chuyến hàng đều thu hút được trên 10.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Lan rộng hiệu quả của cuộc vận động
Với mục tiêu tất cả người dân đều được tiếp cận và dùng hàng Việt chất lượng cao, giá cả hợp lý, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các DN trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Do phần lớn diện tích của tỉnh thuộc địa bàn miền núi, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc nên không chỉ phát động các chuyến bán hàng Việt tại trung tâm các huyện thị, tỉnh còn nỗ lực thực hiện các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao, tạo điều kiện cho bà con các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội được sử dụng hàng Việt với chất lượng đảm bảo.
Từ các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao, người dân khu vực miền núi đã có cơ hội được biết, được tiếp cận, mua sắm và sử dụng ngày càng nhiều hơn những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao và giá thành hợp lý. Bà Hứa Thị Hoa - xã Hà Hiệu - huyện Ba Bể chia sẻ: “Bình thường, để được mua hàng Việt, chúng tôi phải đi xuống thị trấn hoặc trung tâm huyện. Nhờ các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, chúng tôi không phải đi xa mà vẫn có thể mua được hàng, giá lại rẻ hơn thị trường”.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục phối hợp với các DN chuyên kinh doanh hàng Việt đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các khu trung tâm mua sắm, khu dân cư, hội chợ thương mại về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt là tổ chức các đợt bán hàng lưu động đưa hàng Việt về vùng cao, miền núi; tăng cường quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu của địa phương (gạo Bao thai Chợ Đồn, Khẩu nua lếch Ngân Sơn, miến dong, quả hồng không hạt, cam, quýt)… để từng bước phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương.
Ông Chu Văn Thống - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn: Bên cạnh các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục xin cơ chế để xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định trên địa bàn, ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả người tiêu dùng và DN mua sắm và sử dụng hàng hóa, mang lại hiệu quả tốt nhất cho CVĐ. |