Câu chuyện bản quyền ASIAD 18 là một minh chứng. Người hâm mộ không thể xem truyền hình trực tiếp một trận bóng nào của U23 Việt Nam tại ASIAD 18 bởi chẳng ai chịu mất tiền, người hâm mộ chỉ thích xem "lậu", tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra khó kiểm soát, nhà đài không mua bản quyền vì giá cao… Sân chơi nhỏ đã vậy nói gì đến việc sẵn sàng nhập cuộc sân chơi lớn.
Ảnh Internet |
Sân chơi kinh doanh cũng tương tự sân chơi thể thao.
Kinh tế nền tảng là mô hình hoàn toàn mới, trong đó công nghệ được sử dụng để kết nối con người, tổ chức và tài nguyên trong một hệ sinh thái có sự tương tác cao nhất, tất cả cùng chung sống trên một con thuyền lớn.
Sự ra đời của website Vatgia.com vào năm 2006 là dấu hiệu manh nha kinh tế nền tảng tại Việt Nam, sau hơn 10 năm đã có thêm nhiều nền tảng khác, thương mại điện tử có Tiki, Lazada, Sendo…; vận tải có Uber, Grab, VietGo, FastGo…; du lịch có Airbnb, Agoda, Traveloka…
Thế nhưng, có lẽ đó mới chỉ là những con thuyền nhỏ đi cạnh nhau, chưa ai sẵn sàng cùng lên đi chung một con thuyền lớn? Thế nên mới có chuyện các hãng taxi truyền thống hợp sức "đấu tố" Uber, Grab; kinh doanh online hiện hữu nhiều hàng giả, chất lượng kém, giao hàng sai hẹn; quảng cáo một đàng, thực tế một nẻo; người tiêu dùng vẫn thích thanh toán bằng tiền mặt, "đồng tiền liền khúc ruột"...
Đã có ai nghĩ mỗi động tác vì lợi ích cá nhân, cục bộ trước mắt sẽ là hành động chọc thủng con thuyền lớn chung kinh tế nền tảng? Câu trả lời là "chưa".
Câu nói "thuyền nhỏ khó vươn khơi" không sai!