Thứ tư 27/11/2024 23:50

Thúc đẩy tài chính xanh: Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững

Tài chính xanh đang trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam, với những cam kết mạnh mẽ và giải pháp thiết thực cho tương lai.

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững luôn là những mục tiêu chiến lược, được Đảng và Nhà nước nhất quán thực hiện. Chính phủ đã khẳng định rõ ràng: “Tăng trưởng xanh là yếu tố cốt lõi trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, nhằm đạt được sự phát triển nhanh chóng nhưng bền vững.”

Việt Nam đã tích cực tham gia vào các nỗ lực quốc tế, thể hiện cam kết mạnh mẽ tại COP26, khi Thủ tướng Chính phủ xác nhận mục tiêu giảm phát thải ròng xuống 0 vào năm 2050, và tiếp tục khẳng định mục tiêu này tại COP28.

Trong bối cảnh đó, tài chính xanh trở thành công cụ quan trọng mà không chỉ Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế đều chú trọng để thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững. Theo dự báo, Việt Nam cần một nguồn lực khổng lồ khoảng 368 tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến 2040, tức là khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Để đạt được mục tiêu này, việc thiết lập các cơ chế, chính sách hiệu quả nhằm huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường tài chính xanh và thu hút dòng vốn tư nhân vào các lĩnh vực xanh là điều vô cùng cấp thiết.

Ngoài các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, vay vốn quốc tế hay hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, Việt Nam cần phát triển đồng thời cả thị trường vốn xanh và tín dụng xanh, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Hải Trung - Phó Trưởng Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, nhằm trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.

TS. Lê Hải Trung - Phó Trưởng Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng

Nhà nước ta đã có những chính sách như: Quyết định số 889 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030; hay cơ sở pháp lý là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông nhận định như thế nào về các chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững của Việt Nam so với các nước khác trên thế giới?

Việc ưu tiên phát triển sản xuất bền vững và tiêu dùng bền vững đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển xanh. Hai yếu tố này được coi là hai trụ cột then chốt giúp hướng tới một nền kinh tế không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Sản xuất bền vững và tiêu dùng bền vững không thể tách rời, bởi quá trình sản xuất, đặc biệt là sản xuất bền vững, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ xanh, từ đó thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Các chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được thiết kế để đồng bộ và chủ động, hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế bền vững, phù hợp với xu hướng quốc tế. Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, và các sản phẩm xanh. Cùng với đó, các ưu đãi thuế cũng được áp dụng đối với tiêu dùng bền vững. Ví dụ, người tiêu dùng sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ thuế khi mua ô tô điện hoặc các phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo. Đây là những chính sách thiết thực nhằm thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng bền vững, qua đó đóng góp vào việc giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Chính sách của Việt Nam không chỉ tương thích với các xu hướng phát triển quốc tế mà còn tương đối đồng pha với các chính sách của các quốc gia tiên tiến. Ở châu Âu, các quốc gia đang tích cực triển khai các chương trình kinh tế tuần hoàn, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế và giảm thiểu chất thải. Hàn Quốc cũng đã triển khai các chính sách "xanh hóa doanh nghiệp", khuyến khích các công ty sử dụng vật liệu tái chế trong sản xuất. Nhật Bản, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, cũng khuyến khích các doanh nghiệp kéo dài vòng đời sản phẩm để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Những chính sách này đều nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, mặc dù các chính sách của Việt Nam đã rất rõ ràng và quyết tâm chính trị rất lớn, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn, vẫn còn không ít khó khăn. Một trong những vấn đề lớn là các chính sách hiện tại chủ yếu nằm trong các chiến lược quốc gia lớn và các quy định chung, mà chưa có những điều chỉnh cụ thể, đồng bộ cho từng lĩnh vực sản xuất hay tiêu dùng. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu sự thống nhất trong việc triển khai các chính sách này trong thực tế. Ví dụ, khi Việt Nam tham gia vào các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, các ưu đãi thuế hiện tại có thể không còn đủ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là trong các dự án xanh. Điều này đặt ra yêu cầu phải có các chính sách bổ sung hoặc điều chỉnh để đảm bảo rằng các ưu đãi thuế vẫn là động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất bền vững tại Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng khác là mối quan hệ giữa quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách sản xuất bền vững. Doanh nghiệp khi tham gia vào các sáng kiến bền vững phải thấy rõ lợi ích mà họ sẽ nhận được, chẳng hạn như tiếp cận các thị trường quốc tế, cải thiện hình ảnh thương hiệu, và tận dụng các ưu đãi thuế. Bên cạnh đó, trách nhiệm của doanh nghiệp cũng cần được gắn chặt với quyền lợi của họ. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế và giảm thiểu chất thải, vì nếu không, họ sẽ gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ từ khu vực bị phá rừng, sản phẩm của họ sẽ không được chấp nhận ở nhiều quốc gia. Đây là một minh chứng rõ ràng cho việc phải gắn trách nhiệm với quyền lợi để thúc đẩy sản xuất bền vững.

Ngoài ra, đối với người tiêu dùng, họ cần phải nhận thức rõ ràng về vai trò của mình trong việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Việc tiêu thụ các sản phẩm xanh, tuy có thể có chi phí cao hơn so với các sản phẩm thông thường, nhưng lại mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, để thúc đẩy tiêu dùng bền vững, cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng, thông qua các chương trình giáo dục tài chính toàn diện và tài chính xanh. Việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về các sản phẩm xanh, cũng như lợi ích của việc sử dụng các sản phẩm này, sẽ giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về lợi ích lâu dài mà họ nhận được từ việc lựa chọn sản phẩm xanh. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ của các chương trình khuyến mãi, ưu đãi thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm xanh.

Tóm lại, để thúc đẩy sản xuất bền vững và tiêu dùng bền vững, không chỉ cần có những chính sách rõ ràng và cụ thể, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ. Mỗi bên đều phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình và hành động một cách cụ thể, để tạo ra một nền kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.

Để phát triển thị trường tài chính xanh, cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh

Ngoài việc nâng cao nhận thức, thì việc giáo dục tài chính toàn diện cho người dân cần được triển khai ra sao thưa ông? Ở góc độ cơ sở đào tạo về tài chính ngân hàng, Học Viện ngân hàng đã, đang và sẽ có những hoạt động gì nhằm giáo dục tài chính cho không chỉ các sinh viên mà lan toả tới toàn xã hội?

Vai trò của chúng tôi trong việc triển khai các sản phẩm xanh có phần khác biệt so với các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị thực tế. Chúng tôi vừa là cơ sở nghiên cứu, vừa là đơn vị đào tạo, đặc biệt là đào tạo sinh viên – những người tiêu dùng tương lai. Chính vì vậy, chúng tôi rất thấu hiểu tầm quan trọng của công tác đào tạo, đặc biệt là trong bối cảnh tài chính toàn diện và phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển của Viện Ngân hàng, chúng tôi đã chú trọng đến mục tiêu phát triển bền vững, được thể hiện rõ qua hai trụ cột chính: Đào tạo và hoạt động cộng đồng.

Về đào tạo, chúng tôi tích hợp các nội dung liên quan đến tài chính toàn diện và phát triển bền vững vào các chương trình đào tạo, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Chúng tôi đào tạo đa ngành, từ kế toán, kiểm toán, luật đến công nghệ thông tin, với các chương trình có tiêu chí rõ ràng về phát triển bền vững. Các môn học như "Đạo đức và phát triển bền vững" hay "Tài chính cá nhân" không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn nâng cao nhận thức cho sinh viên về vấn đề này.

Ngoài ra, chúng tôi còn triển khai các chương trình thiện nguyện gắn liền với hoạt động cộng đồng, như chương trình "Tinh nguyện tri thức" ra mắt từ 2021. Các sinh viên không chỉ tham gia các công việc hỗ trợ bà con mà còn tổ chức các lớp học tài chính cá nhân cho học sinh và người dân ở các vùng khó khăn. Điều này góp phần nâng cao nhận thức về tài chính và giúp mọi người có những quyết định tiêu dùng bền vững hơn.

Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan, tổ chức tổ chức sự kiện, như chương trình "Thành phố nguyên tiến" hay các cuộc thi phát triển bền vững, để tạo sân chơi cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên của Học viện Ngân hàng và các trường đại học khác tại Hà Nội. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên thể hiện tiếng nói của mình về phát triển bền vững và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Với những hoạt động này, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước. Hy vọng rằng trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức và cơ quan để mở rộng các hoạt động đào tạo tài chính và cộng đồng này.

Xin cảm ơn ông!

Minh Trang
Bài viết cùng chủ đề: Tăng trưởng xanh

Tin cùng chuyên mục

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để 'khơi dòng' tài chính xanh

'Bệ phóng' tài chính xanh: Đưa Việt Nam đến tăng trưởng bền vững

Phát triển tài chính xanh từ thay đổi nhận thức của người tiêu dùng

Hà Nội: Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa

Di sản văn hoá: Định hình bản sắc, thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số

Tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế: Trợ lực 'tiếp sức' cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' giúp ‘kết nối’ sản phẩm DRC đến nhiều doanh nghiệp

Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực thi FTA

Ổn định nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh

Việt Tân lại ‘ếch ngồi đáy giếng’ xuyên tạc về nhập khẩu điện

Doanh nghiệp phải sẵn sàng nguồn lực trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có tính liên thông, đồng bộ với các luật khác

Cảnh báo sớm: Doanh nghiệp không còn bị động trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Ông Đặng Phúc Nguyên: Xuất khẩu rau quả có thể sớm đạt 10 tỷ USD

Tránh bị điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực - 'chìa khóa vàng' để tận dụng tối đa các FTA

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Kiểm soát chặt nguồn gốc và chất lượng hàng hoá trên sàn thương mại điện tử Temu

Ông Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện khí LNG