Tài chính xanh, tín dụng xanh có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các khái niệm về tài chính xanh hay tín dụng xanh vẫn còn tương đối mới với đại bộ phận người tiêu dùng. Việc chưa biết đến hoặc không hiểu rõ về khái niệm này dẫn tới việc người tiêu dùng chưa tận dụng được các lợi ích mà tín dụng xanh, tài chính xanh mang lại.
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương - về vấn đề này.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương - Ảnh: Quốc Chuyển |
Hiện nay, các khái niệm về tài chính xanh hay tín dụng xanh vẫn còn tương đối mới với đại bộ phận người tiêu dùng. Việc chưa biết đến hoặc không hiểu rõ về khái niệm này dẫn tới việc người tiêu dùng chưa tận dụng được các lợi ích mà tín dụng xanh, tài chính xanh mang lại. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về bảo quyền lợi người tiêu dùng, theo bà, có phải rào cản về nhận thức đã tạo ra bước khởi đầu khó khăn cho việc thúc đẩy và phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam?
Tín dụng xanh dành cho cá nhân được hiểu là các sản phẩm, dịch vụ tài chính được thiết kế để khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng thực hiện các hành vi mua sắm, tiêu dùng theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Tín dụng xanh có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Tuy nhiên, để người tiêu dùng có thể tiếp cận tín dụng xanh một cách dễ dàng và hiệu quả, cần giải quyết một số rào cản sau:
Thứ nhất là rào cản về nhận thức. Hiện nay, các khái niệm về tài chính xanh hay tín dụng xanh vẫn còn tương đối mới với đại bộ phận người tiêu dùng. Việc chưa biết đến hoặc không hiểu rõ về khái niệm này dẫn tới việc người tiêu dùng chưa tận dụng được các lợi ích mà tín dụng xanh, tài chính xanh mang lại.
Thứ hai là rào cản về các sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh. Hiện nay, thông tin về các sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh vẫn còn hạn chế và chưa được truyền thông một cách rộng rãi và chi tiết. Nhiều người tiêu dùng vẫn lầm tưởng tín dụng xanh chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp lớn và các thủ tục vay vốn phức tạp, chứ không áp dụng cho người tiêu dùng cá nhân. Việc này dẫn đến người tiêu dùng chưa có niềm tin và một số người tiêu dùng còn e ngại khi tiếp cận các sản phẩm xanh của tổ chức tín dụng.
Các sản phẩm tín dụng xanh cũng đang thiếu sự đa dạng, quy mô còn yếu so với các sản phẩm tín dụng truyền thống, do đó chưa thu hút được đông đảo người tiêu dùng cá nhân.
Thứ ba là rào cản về cách thức triển khai tín dụng xanh. Các ngân hàng, tổ chức tài chính đã có những tiếp cận và xây dựng đội ngũ tư vấn về sản phẩm tín dụng xanh nhưng mức độ đầu tư cho các sản phẩm dịch vụ này mới ở mức cơ bản. Sự thiếu hụt về lực lượng cũng như các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo chuyên sâu khiến quá trình triển khai các sản phẩm, dịch vụ tín dụng xanh còn hạn chế. Việc này khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc cần tư vấn, giải đáp thắc mắc về các sản phẩm, dịch vụ tín dụng xanh.
Thứ tư là rào cản về hệ thống chính sách. Hành lang pháp lý cần phải được bổ sung, hoàn thiện để thúc đẩy thị trường tín dụng tương ứng với nhu cầu và thực tiễn phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng xanh vẫn còn hạn chế, chưa đủ để kích thích nhu cầu vay vốn của người tiêu dùng và giải quyết vấn đề nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại.
Tính đến hiện tại, theo số lượng tổng hợp từ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 trực thuộc Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, số lượng các vụ việc khiếu nại người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam hiện vẫn ở mức cao, chiếm hơn 16% tổng số các khiếu nại gửi đến Bộ Công Thương.
Tín dụng xanh có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Nga |
Được biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 vừa chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 đã ban hành khái niệm tiêu dùng bền vững cũng như xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong việc tham gia thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững nói riêng và phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam nói chung…, xin bà chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này được quy định trong Luật?
Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia sâu rộng và cam kết mạnh mẽ với quốc tế về các chương trình hành động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Để thực hiện các cam kết này, cần có sự chung tay hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 đã kịp thời bổ sung nhiều quy định về thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó: Đã ban hành khái niệm về tiêu dùng bền vững để tạo lập căn cứ pháp lý triển khai các hoạt động tiêu dùng bền vững trong các lĩnh vực chuyên ngành.
Luật cũng xác định rõ các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững; quy định trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Có thể nói, các quy định nêu trên của Luật không chỉ thừa nhận tầm quan trọng của sản xuất, tiêu dùng bền vững mà còn tạo lập căn cứ nền tảng quan trọng để thúc đẩy tiêu dùng bền vững trong các lĩnh vực chuyên ngành, bao gồm cả tín dụng xanh.
Cùng với việc tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh, ngân hàng phát triển sản phẩm tín dụng xanh, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cũng cần chú trọng nâng cao nhận thức và phát huy sự tham gia từ phía người tiêu dùng trong việc thực hành tiêu dùng bền vững, qua đó đồng hành cùng doanh nghiệp đạt được các kết quả bền vững. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai hoạt động gì nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, thưa bà?
Khái niệm về sản xuất, tiêu dùng bền vững nói chung và tín dụng xanh nói riêng còn khá mới mẻ tại Việt Nam, do đó cần nhiều thời gian để thay đổi nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi sang phương thức sản xuất xanh, bền vững hơn. Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng là ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe của con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.
Để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cũng là để thực thi các trách nhiệm được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương nói chung và Ủy ban Cạnh tranh quốc gia nói riêng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Mới đây nhất, trong năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức diễn đàn "Tiêu dùng bền vững: Cơ hội - Thách thức để doanh nghiệp phát triển". Bên lề chương trình, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia còn tổ chức triển lãm với nhiều gian hàng, quy tụ của các doanh nghiệp, đơn vị đến từ trong và ngoài nước thu hút khoảng 30.000 - 50.000 lượt người tham quan.
Bên cạnh đó là talkshow "Công nghệ xanh cho sản xuất - Tiêu dùng bền vững" chia sẻ về những ứng dụng và lợi ích của công nghệ xanh trong sản xuất bền vững và những tác động của thương mại điện tử trong tiêu dùng xanh, bền vững.
Trong thời gian sắp tới, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cũng như tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định trong Luật cũng như về các kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cần thiết dành cho người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ việc nâng cao nhận thức của chính người tiêu dùng cũng như của tổ chức, cá nhân kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi, cần nhiều thời gian và chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội. Do vậy, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia mong muốn nhận được sự phối hợp, đề xuất phối hợp từ đa dạng các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhằm lan tỏa và nâng cao tính hiệu quả của các hoạt động triển khai.
Xin cảm ơn bà!