Thúc đẩy tài chính, hỗ trợ sinh kế cho hơn 11.000 phụ nữ dân tộc thiểu số
Dự án “Bứt phá: Thúc đẩy tài chính toàn diện cho phụ nữ Dân tộc thiểu số” do tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tập đoàn P&G phối hợp thực hiện trong 4 năm từ 2018, đã hỗ trợ phát triển sinh kế cho hơn 11.000 phụ nữ dân tộc thiểu số ở 18 tỉnh thành trên toàn quốc.
Hai năm đầu, dự án đã thành lập được 260 nhóm cổ phần tài chính tự quản, trực tiếp giúp 5.196 phụ nữ dân tộc thiểu số ở nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn, vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều thành viên VSLA cho biết, họ có thể tiết kiệm tiền nhiều hơn, đầu tư tốt hơn cho việc học hành của con cái và các hoạt động tạo ra thu nhập khác.
Giai đoạn thứ hai của Dự án, từ tháng 12/2020 tới hết tháng 12/2021, đã thành lập được 287 nhóm tiết kiệm tín dụng thôn bản với 4.185 phụ nữ tham gia ở nhiều địa phương như Cao Bằng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Sóc Trăng, Trà Vinh… Đã huy động được 9,35 tỷ đồng tiết kiệm và cho 2.427 lượt thành viên vay vốn làm kinh tế ở quy mô hộ gia đình. Trong nửa đầu năm 2022, có 269 nhóm với 4.058 phụ nữ tham gia, huy động 5,62 tỷ đồng tiết kiệm và cho 1.416 lượt thành viên vay vốn để phát triển sinh kế.
Dự án “Bứt phá: Thúc đẩy tài chính toàn diện cho phụ nữ Dân tộc thiểu số giúp phát triển sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số |
Số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2017 (Findex) cho thấy chỉ có 30% nam giới và 31% nữ giới trưởng thành ở Việt Nam được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức, đây một trong những tỷ lệ thấp ở Đông Á. Dựa trên các phân tích về giới do CARE thực hiện, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận tài chính và chịu tác động tiêu cực từ bất bình đẳng giới, các chuẩn mực văn hóa truyền thống. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng với việc ra quyết định về tài chính và sản xuất nông nghiệp trong gia đình thì người chồng thường có tiếng nói quyết định về sinh kế và các khoản chi tiêu lớn. Điều đó cũng làm ảnh hưởng lớn đến việc ra quyết định và tham gia của phụ nữ ở cấp độ cộng đồng.
Đánh giá về hoạt động của dự án trong thời gian qua, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Phạm Thị Hương Giang, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cho biết “Mô hình này rất phù hợp với điều kiện kinh tế và năng lực của phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp cho chị em hình thành thói quen tiết kiệm, tự quản và cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau trong những lúc khó khăn. Thông qua mô hình, Hội cũng đã triển khai các hoạt động truyền thông về các chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như các kiến thức cần thiết khác cho phụ nữ như tổ chức cuộc sống gia đình, tăng thu nhập, bình đẳng giới”.
Bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, khẳng định cam kết của tổ chức về quan hệ hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “Mô hình VSLA được coi là xuất phát điểm để giúp thành viên các tổ nhóm gắn kết và tiếp cận với các hình thức dịch vụ tài chính khác và là một phần trong hệ hjsinh thái tài chính bao trùm, trong đó ai cũng có quyền tham gia và tiếp cận dịch vụ tài chính. Cách làm và đặc điểm của mô hình VSLA rất phù hợp với các mục tiêu của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tiến trình thực hiện dự án 8. CARE cam kết đồng hanh và hỗ trợ kỹ thuật với Trung ương Hội trong năm năm tới để thực hiện hiệu quả các hoạt động nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra.”