Thừa Thiên Huế: Phát triển du lịch tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều tiềm năng về du lịch
Nam Đông và A Lưới là hai huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, là vùng đất có nhiều tiềm năng về tự nhiên, danh thắng, căn cứ địa cách mạng, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều… Đây là lợi thế đang được địa phương khai thác để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, nâng cao đời sống của người dân.
Du lịch vùng cao Thừa Thiên Huế thu hút du khách (Ảnh: TQ) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện A Lưới cho biết: Huyện A Lưới hiện có 5 làng văn hoá du lịch cộng đồng, 24 điểm du lịch đang khai thác phát triển khá tốt, 33 cơ sở lưu trú (trong đó 24 homestay, 9 nhà nghỉ). Các loại hình kinh doanh dịch vụ khá đa dạng, phong phú như: Dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch trải nghiệm, trekking, dịch vụ mua bán các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương và các dịch vụ giải trí, tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật, chợ phiên vùng cao, văn nghệ dân gian, ẩm thực… Có nhiều suối, thác đẹp đang khai thác phát triển du lịch sinh thái như thác A Nôr, suối Pâr Le…; nghề dệt thổ cẩm Dèng của dân tộc Tà Ôi, Lễ hội A Da Koonh (mừng lúa mới) của người Pa Cô được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia… Đặc biệt, Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim) là sản phẩm OCOP 3 sao của A Lưới, trở thành điểm du lịch cấp tỉnh và năm 2019 được chọn là một trong ba làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam.
“Ngày 19/5, nhãn hiệu Du lịch A Lưới được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ đã giúp xây dựng thương hiệu điểm đến đối với du lịch A Lưới, đồng thời tạo dựng niềm tin đối với khách hàng sử dụng, trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ của địa phương. Từ đó, đưa thương hiệu Du lịch A Lưới vươn tầm quốc gia, quốc tế, trở thành điểm nhấn, dễ dàng nhận diện và vươn ra thị trường”, bà Lê Thị Thêm chia sẻ.
Còn huyện Nam Đông, cách thành phố Huế khoảng 50 km, nơi đây lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu (chiếm 43% dân số toàn huyện) từ kiến trúc nhà Gươl, nhà mồ hay trang phục truyền thống, dụng cụ âm nhạc dân tộc... đến hệ thống suối, thác trượt, hang động, thảm thực vật, rừng nguyên sinh và hệ thống các hồ chứa lớn như Tả Trạch, Thượng Lộ và Thượng Nhật… Ngoài thác Mơ và bản Dỗi là hai điểm đã thu hút được du khách, còn rất nhiều điểm lý tưởng để phát triển du lịch như: Thác Phướng (xã Hương Phú), thác Trời, đập Tràn (xã Hương Giang); hang Dơi (xã Thượng Quảng)...
Tại các điểm du lịch cộng đồng, đa số đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ và trực tiếp làm du lịch |
Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc
Bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện A Lưới cho biết: Tại các điểm du lịch cộng đồng, suối thác ở Anôr, A lin, Pâr Le, A Roàng.. thì đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ và trực tiếp tham gia làm du lịch. So với trước đây bà con dân tộc thiểu số chủ yếu là trồng rừng, làm ruộng, chăn nuôi cho nên sản phẩm làm ra chủ yếu là tự cung tự cấp, giờ tham gia làm du lịch bà con được đào tạo về nghiệp vụ du lịch, ẩm thực… nên đời sống khởi sắc hơn, thu nhập ổn định hơn.
Thông tin với phóng viên Báo Công Thương, Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Nam Đông Lê Nhữ Sửu cho biết, du lịch cộng đồng bản Dỗi nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã, có nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là lòng hồ Thủy điện Thượng Lộ, thác Kazan.. Điều đó tạo nên hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, phong phú nhằm thu hút khách du lịch đến với cộng đồng bản Dỗi nói riêng và huyện Nam Đông nói chung.
“Bản Dỗi có 4 homestay đã đi vào hoạt động, du lịch cộng đồng bản Dỗi tạo công ăn việc làm cho hơn 40 thành viên của hợp tác xã, trong đó 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bản Dỗi đã thực sự thay da đổi thịt sau những hỗ trợ mạnh mẽ của Dự án VFBC, Tổ chức Helvetas và sự vào cuộc, chung tay của chính quyền địa phương và nỗ lực hết mình của cộng đồng bà con dân tộc thiểu số”, Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Nam Đông Lê Nhữ Sửu nhấn mạnh.
Tái hiện cảnh sinh hoạt thường ngày của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới (Ảnh: NT) |
Anh Hoàng Thanh Duy – Giám đốc Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng Anôr cho biết, hợp tác xã hiện có 90 thành viên, trong đó đa số là đồng bào dân tộc Pa Cô. Lúc chưa làm du lịch cộng đồng bà con chủ yếu là làm nông, bây giờ có khu du lịch rồi bà con vừa làm nông, vừa làm du lịch. Làm nông bà con chủ yếu phục vụ cho chính gia đình, khi tham gia làm du lịch mỗi thành viên thu nhập thêm khoảng 4-5 triệu/tháng, những tháng cao điểm thì nhiều hơn.
“Hiện nay, số lượng lao động tại khu du lịch cộng đồng Anôr tương đối đủ người phục vụ, tuy nhiên nếu bà con đồng bào dân tộc nào muốn vào thì hợp tác xã sẵn sàng đón nhận”, Giám đốc HTX du lịch sinh thái cộng đồng Anôr Hoàng Thanh Duy khẳng định.
Năm 2023, tổng lượt khách đến huyện A Lưới đạt 72.000 lượt khách; trong đó, khách nội địa ước đạt 67.000, khách quốc tế ước trên 5.000 lượt, khách lưu trú, ước đạt 9.000 lượt, thời gian lưu trú trung bình 1,5 ngày, ước doanh thu khoảng 36 tỷ đồng. Năm 2024, tổng lượt khách ước đạt 75.000 lượt khách; trong đó, khách nội địa ước đạt 70.000, khách quốc tế ước trên 5.000 lượt, khách lưu trú, ước đạt 10.000 lượt, thời gian lưu trú trung bình 1,5 ngày, ước doanh thu hơn 37 tỷ đồng. |