Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng một số dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
Luôn đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư tối đa
Ông Nguyễn Duy Hưng -Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế (đơn vị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu phi Thuế quan Sài Gòn - Chân Mây) cho biết, thời gian qua, công ty luôn tích cực, chủ động kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư của các cấp chính quyền, các tổ chức, trong và ngoài nước.
Riêng trong giai đoạn 2019 - 2021, công ty đã thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp thuê nhà xưởng, thuê đất và ký kết hợp đồng thuê nhà xưởng, thuê đất với tổng vốn đăng ký đầu tư 48 triệu USD và 63 tỷ đồng, diện tích đất thuê là 27,10 ha. Đến nay, công ty đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích hơn 118 ha và tổng tiền đã chi trả là 90,27 tỷ đồng.
“Mặc dù công ty đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc bàn giao mặt bằng kéo dài; ảnh hưởng đến tiến độ” ông Hưng nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan tập trung để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa nhất cho các nhà đầu tư tại KKT Chân Mây - Lăng Cô |
Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết: Với những vướng mắt và khó khăn trên, tỉnh đã chỉ đạo, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan tập trung để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa nhất cho các nhà đầu tư. Nếu khó khăn, cần tổ chức thêm lực lượng tham gia giải phóng mặt bằng; cần thiết thì triệu tập thêm nhân lực có chuyên môn để cùng phối hợp thực hiện.
Bên cạnh đó, cần huy động tổ công tác tác dân vận, có thể là Mặt trận, Ban Dân vận Huyện ủy cùng với lực lượng khác gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, giải quyết những thắc mắc của người dân. Các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các chủ đầu tư để giải quyết khó khăn, vướng mắc theo từng giai đoạn một, thời gian cụ thể.
“Ngoài giải quyết những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì vấn đề thủ tục hành chính cũng phải được quan tâm triển khai nhanh nhất, thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, kể cả vấn đề thuế, cần rút ngắn thời gian. Phát huy hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông để tránh mất thời gian của chủ đầu tư. Tất cả các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phải thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư trong giải phóng, bàn giao mặt bằng và có báo cáo tiến độ theo quy định. Tinh thần đặt ra là luôn đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư tối đa”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh.
Từng bước đưa KKT Chân Mây – Lăng Cô trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
KKT Chân Mây - Lăng Cô được thành lập vào năm 2006, có diện tích 27.108ha, nằm trên địa bàn các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô của huyện Phú Lộc, giáp ranh với TP. Đà Nẵng. Những năm gần đây, KKT Chân Mây - Lăng Cô trở thành một “đại công trường” đúng nghĩa, khi nhiều dự án, công trình lớn được đầu tư, khởi công xây dựng.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Sài Gòn - Huế, cho biết: Năm 2020 mặc dầu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên công ty đã đàm phán với 7 nhà đầu tư có tên tuổi của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất sử dụng công nghệ cao và công nghệ mới, các nhà đầu tư sẵn sàng ký kết thỏa thuận với công ty thuê đất để triển khai thực hiện các dự án. Hiện công ty đang có chiến lược phát triển quỹ đất và đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm không để lỡ cơ hội thu hút đầu tư.
Ông Lê Văn Tuệ - Giám đốc Ban Quản lý Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế- cho biết: Để đáp ứng tiêu chí phát triển KKT Chân Mây – Lăng Cô đảm bảo phát triển bền vững, lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm song song với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, đến nay, trên địa bàn Khu Kinh tế đang triển khai thi công xây dựng Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho các dự án. Đồng thời, dành nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư có thể vào là xây dựng nhà xưởng và hoạt động ngay.
KKT Chân Mây – Lăng Cô đang tạo việc làm cho hàng ngàn công nhân |
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các dự án đầu tư tại KKT Chân Mây - Lăng Cô đều có tính khả thi cao, sử dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bước đầu đem lại hàng ngàn việc làm gián tiếp và trực tiếp tại chỗ. Các nhà đầu tư đều nghiêm túc trong thực hiện triển khai tiến độ dự án; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính.
“Các công trình hạ tầng đầu tư trên địa bàn KKT Chân Mây- Lăng Cô đã phát huy hiệu quả sử dụng, diện mạo Khu Kinh tế đã được đổi mới rõ rệt, tình hình kinh tế - xã hội khu vực phát triển nổi bật, hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc và các hạ tầng xã hội khác đã từng bước hoàn thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu lưu thông trong nội bộ trong Khu Kinh tế, kết nối giữa các khu chức năng tạo điều kiện tốt để các nhà đầu tư tiếp cận triển khai dự án thuận lợi và hiệu quả, góp phần thu hút đầu tư”, ông Thọ nhấn mạnh.