Giá lợn hơi tăng trở lại, người chăn nuôi vẫn thận trọng tái đàn Lý do gì khiến chênh lệch giá thịt lợn giữa chợ dân sinh và siêu thị? |
Tại Hôi nghị Trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều ngày 25/10, ông Nguyễn Văn Long- Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT)- cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu các loại sản phẩm động vật như thịt gia súc, gia cầm các loại là 3.782 tấn (tăng 23,80% so với cùng kỳ năm 2020); 2.342 tấn thịt lợn đông lạnh và sản phẩm thịt lợn (tăng 22,38% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó chủ yếu là thịt lợn đông lạnh sang Hồng Kông; 75 tấn thịt bò tiệt trùng (thịt bò đóng hộp, súp thịt bò...); 23.443 tấn sữa và sản phẩm sữa (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020);….
Ở chiều ngược lại, trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 214,4 nghìn tấn thịt các loại, bao gồm: 112,7 nghìn tấn thịt lợn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn, giảm 50% so với năm 2020; 41,4 nghìn tấn thịt trâu bò và 60,3 nghìn tấn thịt gia cầm.
Như vậy, thông tin từ một số hiệp hội cho rằng, 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu hơn 681,7 nghìn tấn thịt các loại, trong đó có hơn 256,8 nghìn tấn thịt lợn nhập khẩu là không chính xác.
Thịt lợn nhập khẩu được bán tại siêu thị Big C |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Long, thịt lợn nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2021 chỉ chiếm 3,6% so với sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước thì không thể nào ảnh hưởng đến việc giá thịt lợn giảm mạnh, giảm sâu, nhất là từ tháng 5/2021 đến nay.
Lý do chính, giá thịt lợn, thịt gà,… giảm mạnh, giảm sâu trong thời gian vừa qua là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên diện rộng và trong thời gian dài, làm hàng chục tỉnh, thành phố lớn phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó các cơ sở dịch vụ ăn uống phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và nhiều cơ sở giết mổ, chế biến thịt, cửa hàng bán thịt cũng phải ngừng hoạt động,...
Mặt khác, theo thông tin từ các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn, thịt gà cho biết, hầu hết sản phẩm thịt lợn, thịt gà đông lạnh nhập khẩu là để cung cấp cho các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, nhưng do đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội trên diện rộng và nhiều tháng qua nên không tiêu thụ được; hàng hóa nhập về phải lưu kho, lưu bãi ở các cảng nhập, các kho bảo quản lạnh và gây thiệt hại rất lớn về 12 kinh tế; nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thịt đã phải ngừng hoạt động từ nhiều tháng qua, hủy nhiều hợp động nhập khẩu, kinh doanh thua lỗ hàng chục tỷ đồng, không có tiền để chi trả lương cho nhân viên;…
Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- cho biết, từ tháng 6/2021, Việt Nam đã tạm ngưng nhập khẩu sản phẩm này. Về lượng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 chỉ còn 112,7 nghìn tấn (giảm 50% so với năm 2020). Do tỷ trọng thị lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3,6%) so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước nên có thể khẳng định nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua.
Sức ép cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm chăn nuôi là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, về lâu dài, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gẫy chuỗi sản xuất chăn nuôi; bảo đảm đáp ứng đầy đủ nguồn cung thịt, nhất là gia súc, gia cầm, trứng phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt chú trọng bảo đảm nguồn cung các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đồng thời, phối hợp Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát lưu thông, hạ giá thành, chi phí khâu trung gian, nhất là đối với các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm; thúc đẩy mở cửa kỹ thuật thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi….
Ông Nguyễn Quốc Toản cũng kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ NN&PTNT theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thực phẩm; chủ động đàm phán, thúc đẩy thương mại với các nước mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi để có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng. Đồng thời, hướng dẫn triển khai cùng các địa phương sớm mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối khi bảo đảm an toàn dịch bệnh để kịp thời tổ chức tiêu thụ đồng bộ có hiệu quả chuỗi cung ứng thịt.
Bộ Tài chính đẩy nhanh thủ tục trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2012/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó, có nội dung giảm thuế nhập khẩu (thuế MFN) của ngô từ 5% hiện nay xuống còn 3%, lúa mỳ từ 3% hiện nay về 0% để hỗ trợ giá thức ăn chăn nuôi đầu vào cho sản xuất chăn nuôi. Xem xét giữ nguyên mức thuế hoặc lùi thời gian giảm thuế MFN đối với thịt lợn nhập khẩu....