Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2024, cả nước nhập khẩu 208.338 tấn khí đốt hóa lỏng, tương đương gần 136,06 triệu USD, giá trung bình 653 USD/tấn, giảm 36,19% về lượng, giảm 25,26% về kim ngạch nhưng tăng 1,75% về giá so với tháng 8/2024.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước nhập khẩu gần 2,39 triệu tấn khí đốt hóa lỏng, trị giá trên 1,54 tỷ USD, giá trung bình đạt 645,1 USD/tấn, tăng 24,73% về lượng, tăng 33,79% về kim ngạch và tăng 7,26% về giá so với 9 tháng đầu năm 2023.
Việt Nam vẫn nhập khẩu khí đốt hóa lỏng từ 3 thị trường chủ yếu là Qatar, U.A.E và Saudi Arabia; trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Qatar đạt 506.499 tấn, tương đương trên 309,93 triệu USD, giá 611,9 USD/tấn, tăng mạnh 186% về lượng, tăng 173,19% về kim ngạch nhưng giảm 4,5% về giá so với 9 tháng đầu năm 2023; chiếm 21,2% trong tổng lượng và chiếm 20,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của cả nước.
Việt Nam chi hơn 1,54 tỷ USD nhập khẩu khí đốt hóa lỏng trong 9 tháng năm 2024. Ảnh: PVGAS |
Saudi Arabia là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, đạt 297.447 tấn, tương đương trên 194,21 triệu USD, giá 652,9 USD/tấn, giảm 45,8% về lượng, giảm 38,97% về kim ngạch nhưng tăng 12,6% về giá, chiếm 12,5% trong tổng lượng và chiếm 12,6% trong tổng kim ngạch.
Tiếp theo là thị trường U.A.E đạt 294.718 tấn, trị giá trên 187,19 triệu USD, giá 635,2 USD/tấn, giảm mạnh 30,46% về lượng, giảm 24,17% về kim ngạch nhưng tăng 9% về giá, chiếm 12,3% trong tổng lượng và chiếm 12,2% tổng kim ngạch.
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu khí đốt hóa lỏng 9 tháng đầu năm 2024 từ đa số thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường khí đốt hóa lỏng Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 1991, với sản lượng chỉ khoảng 400 tấn. Năm 1998, Nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố đi vào hoạt động là sự kiện nổi bật đánh dấu mốc của thị trường LPG Việt Nam.
Hiện sản xuất LPG trong nước được cung cấp từ Nhà máy Dinh Cố và Nhà máy lọc dầu Dung Quất với sản lượng khoảng 750.000 tấn/năm.
LPG ở Việt Nam chủ yếu được dùng để chiết nạp vào bình chứa phục vụ cho nhu cầu dân sinh như sưởi ấm, nấu ăn, công nghiệp, sử dụng trong xe cộ, chất làm lạnh... Bên cạnh đó, các ứng dụng khác từ sản phẩm LPG hiện còn thấp như sử dụng trong công nghệ hóa dầu.
Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Do đó, giá bán lẻ gas trong nước bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 3 lần tăng và 2 lần giảm giá.
Nhu cầu tiêu dùng LPG ngày càng lớn, trong khi nguồn cung tại chỗ chưa theo kịp, nhập khẩu LPG tiếp tục là giải pháp để bù đắp lượng thiếu hụt trong những năm tới.
Giá gas bán lẻ tại thị trường trong nước tháng 10 tiếp tục tăng theo giá thế giới. Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá gas bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng.
Theo đó, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 10/2024 tại thị trường Hà Nội là 456.100 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.824.300 đồng/bình công nghiệp 48 kg , lần lượt tăng 4.600 đồng/bình 12 kg và 18.500 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Tương tự như vậy, giá bán bình Petro VietNam Gas sẽ tăng 500 đồng/kg (đã bao gồm VAT) tương đương 6.000 đồng/bình 12 kg và 22.500 đồng/bình 45 kg so với tháng 9/2024. Giá gas các thương hiệu Thủ Đức Gas, VT Gas, City Petro Gas, Vina Pacific Petro Gas và Vimexco Gas… đều tăng giá 6.000 đồng/bình 12 kg. Riêng Công ty Saigon Petro thông báo, giá bán các bình gas SP tăng 458 đồng/kg (đã VAT), tương đương tăng 5.500 đồng bình 12 kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ trong nước có 6 lần tăng, 3 lần giảm giá và 1 lần không thay đổi.