Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn 12 thế giới Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vượt ngưỡng 100 tỷ USD Ngành điện tử: Xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng thấp |
Tham gia hội thảo có bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương; TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia; ông Michael Hack - Tổng Thư ký Hiệp hội Brôm quốc tế; TS. Klaus Rothenbacher - Cố vấn pháp lý của BSEF; ông Lê Đình Thắng - Đại diện TÜV SÜD tại Việt Nam...
Các diễn giả tham gia hội thảo |
Xuất khẩu điện tử đi châu Âu, châu Mỹ đối diện khó khăn gì?
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trịnh Thị Thu Hiền nhấn mạnh, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất đóng vị trí then chốt trong nền kinh tế, là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của quốc gia và có tác động mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Mặt hàng điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 33,66 tỉ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt trên 32,8 tỷ USD, tăng 30,81% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn đều ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đứng thứ nhất đạt 8,9 tỷ USD, tiếp đó là Trung Quốc 4,75 USD, Hồng Kông 3 tỷ USD, EU 2,8 tỷ USD, Hàn Quốc 2,2 tỷ USD. Đáng chú ý là Hoa Kỳ và EU đều có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2023. Về, chủng loại xuất khẩu, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao gồm các loại bộ vi xử lý, bộ nhớ, module các loại, máy tính xách tay, máy tính bảng, màn hình các loại.
Trong bối cảnh đó, việc Hiệp hội Điện tử tổ chức Hội thảo “Tăng cường năng lực doanh nghiệp điện tử Việt Nam trong chuỗi cung ứng: Cập nhật các quy định xuất khẩu đối với hàng điện tử đi các thị trường Âu - Mỹ” được đánh giá là hoạt động có ý nghĩa, giúp các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mục tiêu nói trên.
Phát biểu tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực nêu rõ, hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng điện tử nói riêng đang gặp phải nhiều rủi ro bên ngoài, nhất là rủi ro đến từ yếu tố địa chính trị, bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, kinh tế thế giới (nhất là 1 số đối tác chính như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ…) đang tăng trưởng chậm lại, khiến đà phục hồi của xuất khẩu và đầu tư bị ảnh hưởng; tăng trưởng đầu tư tư nhân và tiêu dùng còn thấp.
Song song với đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa có đột phá, không đồng đều. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về pháp lý, chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững, thiếu lao động, năng suất thấp; yêu cầu số hóa và xanh hóa).
Ngoài ra, thể chế cho các lĩnh vực mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…) còn chậm ban hành.
Chia sẻ cụ thể hơn về xu hướng của thị trường châu Âu và châu Mỹ với các sản phẩm nhập khẩu, ông Lê Đình Thắng thông tin, châu Âu đang thống nhất các quy định và tiêu chuẩn cho các nước thành viên, nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công tác này bao gồm những nỗ lực chuẩn hoá quy định về sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn và thông số kỹ thuật.
Hiện, các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Âu cần đáp ứng những yêu cầu cụ thể. Các sản phẩm nhập khẩu cần tuân thủ theo Chỉ thị CE (Tiêu chuẩn châu Âu). Một vài sản phẩm phải tuân theo nhiều Chỉ thị CE cùng một lúc. Các sản phẩm cần đảm bảo phải tuân thủ theo tất cả các quy định liên quan trước khi dán nhãn CE. Các thị trường yêu cầu cấm dán nhãn CE lên sản phẩm không áp dụng Chỉ thị CE.
Bên cạnh đó, Ủy ban Châu Âu đã ban hành quy định về Chỉ thị Thiết bị Vô tuyến (RED), nhằm cải thiện mức độ an ninh mạng cho các sản phẩm không dây được lưu hành trên thị trường châu Âu. Các yêu cầu mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2025.
Ngoài ra, châu Âu đã ban hành quy định mới về pin và pin thải (Quy định 2023/1542) để thay thế Chỉ thị hiện tại về Pin (2006/66/EC) và đưa ra các yêu cầu mới nhằm nâng cao tính bền vững, an toàn và yêu cầu ghi nhãn và thông tin cho tất cả các loại pin. Khác với chỉ thị, quy định này của châu Âu mang tính pháp lý, khi có hiệu lực, sẽ được áp dụng tự động và thống nhất ở tất cả các quốc gia thành viên mà không cần đưa vào luật của các quốc gia. Quy định mới này đã được thực hiện theo từng giai đoạn, bắt đầu từ ngày 18 tháng 02 năm 2024. Ngoài ra, còn có các yêu cầu về khả năng tháo rời và thay thế; Kiểm tra An toàn (SBESS); Thẩm định; các Mục tiêu tái chế và thu hồi vật liệu; thông tin và nhãn mác; vận chuyển pin thải...
Thị trường Hoa Kỳ và Canada cũng có những yêu cầu riêng về sản phẩm tiêu dùng. Theo các điều khoản của Đạo luật An toàn Sản phẩm ở Hoa Kỳ và Canada, các doanh nghiệp có nghĩa vụ tiến hành đánh giá để đảm bảo an toàn sản phẩm và báo cáo kịp thời mọi sự cố liên quan đến an toàn sản phẩm cho Ủy ban An toàn Sản phẩm Hoa Kỳ (CPSC) hoặc HC Canada.
Đối với sản phẩm sử dụng tại văn phòng, Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) và các cơ quan pháp lý địa phương (AHJ) yêu cầu chứng nhận từ Phòng thử nghiệm được công nhận trên toàn quốc (NRTL) đối với thiết bị điện được sử dụng tại nơi làm việc để đảm bảo tính an toàn sử dụng.
Hai thị trường trên cũng có những yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn môi trường, hiệu quả năng lượng, yêu cầu xử lý chất thải.
“Nhìn chung, thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm điện tử đi các thị trường này là hệ thống quy định phức tạp và liên tục sửa đổi/ bổ sung. Doanh nghiệp cũng thiếu nguồn nhân lực được đào tạo và truyền thông bài bản. Thách thức cũng đến từ cách thức thiết kế một sản phẩm vừa tuân thủ quy định đồng thời đảm bảo an toàn, chất lượng và tính thẩm mỹ, cũng như áp lực giảm chi phí, tăng lợi nhuận…” – ông Lê Đình Thắng thông tin.
Doanh nghiệp cần giải pháp gì để thích ứng?
Trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, TS Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung vào Mô hình 6R, bao gồm Respond (thích ứng với xu hướng, bối cảnh mới); Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt); Re-invent (đối mới, sáng tạo, thích nghi; bao gồm cả thay đổi mô hình, chiến lược kinh doanh theo hướng “chuyển đổi số” nhiều hơn); Restructure (cơ cấu lại tổ chức - bộ máy, hoạt động, tài chính, sản phẩm… để trở nên hiệu quả hơn); Resilience (tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài); Risk management (tăng cường quản lý rủi ro trong bối cảnh môi trường hoạt động nhiều bất định).
Bên cạnh đó, cần nắm bắt các xu hướng thương mại và đầu tư toàn cầu và đối tác chính; tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất để đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn; tăng cường nguyên liệu sạch, nguyên liệu tại chỗ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Doanh nghiệp cũng cần tích hợp các yếu tố ESG, phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh. Song song với đó, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tín chỉ carbon. Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, an ninh mạng, thông tin - dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa…
Doanh nghiệp cần chủ động tâm thế, đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các lĩnh vực công nghệ mới (AI, thực tế ảo, tự động hóa, đám mây, an ninh mạng….) và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu (gồm cả bán dẫn); phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới...