Thứ hai 23/12/2024 09:34

Thị trường điện cạnh tranh được gì sau 10 năm vận hành?

Sau 10 năm vận hành thị trường điện cạnh tranh Việt Nam đã từng bước xoá bỏ độc quyền, nâng cao tính công bằng, minh bạch với sự tham gia của nhiều thành phần.

Thị trường điện cạnh tranh bao gồm thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) từ 2012 - 2019 và thị trường bán buôn cạnh tranh (VWEM) được vận hành từ 2019 đến nay, đã từng bước nâng cao tính công bằng, minh bạch, góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và chủ động hơn. Đặc biệt, thị trường điện đang từng bước phát triển theo cả chất và lượng với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp và nguồn năng lượng.

This browser does not support the video element.

Phát triển cả lượng và chất

Thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được vận hành từ 1/7/2012; thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành từ 01/01/2019.

Theo đó, thời điểm bắt đầu vận hành chính thực VCGM, lúc đó mới có 31 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện, với tổng công suất 9.212MW. Đến nay, số lượng nhà máy tham gia trực tiếp tăng xấp xỉ 3,5 lần lên 108 nhà máy, với tổng công suất đặt tăng khoảng 3,35 lần tương đương với 30.940MW, tăng bình quân 13,12%/năm lượng công suất các nhà máy trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện.

Đặc biệt, thị trường đã giúp từng bước xóa bỏ danh “độc quyền” vốn có của ngành điện khi mà các nguồn điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường rất đa dạng về loại hình doanh nghiệp, từ các nhà máy do tư nhân đầu tư đến các nhà máy theo hình thức vốn góp, cổ phần, liên doanh. Đến tháng 6/2022, số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường điện là 53 nhà máy điện, chiếm 50% tổng số các đơn vị tham gia thị trường. Điều này khẳng định sự đa dạng, minh bạch và công bằng đối với các loại hình doanh nghiệp mà thị trường điện cạnh tranh mang lại.

Ông Nguyễn Quốc Trung- Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) cho biết: Thông qua thị trường, các nhà máy đã hoạt động hiệu quả hơn, sản lượng giao dịch trên thị trường ngày càng lớn và đội ngũ tham gia thị trường điện ngày càng chuyên nghiệp. Việc vận hành thị trường điện đã nâng cao tính minh bạch trong công tác huy động các nhà máy điện; tạo môi trường cạnh tranh, tăng cường tính chủ động của các đơn vị tham gia thị trường trong công tác vận hành. Đồng thời, thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TWcủa Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Thị trường điện của Việt Nam được thiết kế và xây dựng phần thị trường giao ngay (spot market) theo đúng các hình mẫu chuẩn trên thế giới, do vậy lợi ích lớn nhất là mang đến sự minh bạch và chủ động cho các bên tham gia” ông Trung chia sẻ.

Đặc biệt, ngoài việc tăng trưởng ở phía các đơn vị phát điện, việc tham gia thị trường điện của 5 tổng công ty điện lực cũng thay đổi từng bước trong khâu mua buôn điện.

Thị trường điện Việt Nam đã từng bước công bằng, minh bạch

Hiệu quả và minh bạch

Với sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương, sau 10 năm vận hành, thị trường điện đã góp phần tăng cường minh bạch trong công tác vận hành hệ thống điện thông qua cơ chế chào giá. Trước đây, việc huy động tổ máy hoàn toàn do cấp điều độ điều khiển quyết định dựa theo sự tối ưu toàn hệ thống, nhưng hiện nay, các nhà máy điện đã chủ động trong việc đưa ra quyết định kế hoạch vận hành ngày tới, chu kỳ tới liên quan đến việc lên, xuống, hòa lưới tổ máy và thay đổi công suất thông qua chào giá theo quy định.

Cụ thể, khi thị trường bắt đầu vận hành chu kỳ giao dịch là 60 phút, đến nay đã rút ngắn xuống 30 phút. Đây là một bước ngoặt lớn trong vận hành hệ thống điện và thị trường điện của Việt Nam, góp phần quan trọng đáp ứng các yêu cầu vận hành hệ thống điện đang phát triển lớn mạnh cả về chất và lượng, với sự đa dạng loại hình phát điện, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của nguồn năng lượng tái tạo; đồng thời đây là bước đột phá trong công tác vận hành thị trường điện, đảm bảo tối ưu hóa chi phí cho toàn xã hội và góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện, tạo tiền đề cho việc phát triển của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong tương lai.

Việc số lượng bản chào giờ/chu kỳ tới có xu hướng tăng lên do ngày càng có nhiều các nhà máy tham gia thị trường điện; đồng thời các nhà máy cũng ngày càng chủ động cập nhật tình hình thực tế của các tổ máy so với giai đoạn đầu khi mới vận hành thị trường.

Theo số liệu thống kê của EVNNLDC, kể từ khi thị trường điện bắt đầu vận hành, giá trần thị trường điện (SMPcap) mới chỉ ở mức 846.3 đ/kWh. Đến năm 2022, giá trần thị trường đã tăng lên gấp 1.9 lần, ở mức 1602.3 đ/kWh. Nhờ đó, doanh thu thị trường cũng lần lượt tăng tương ứng từ 42 tỷ đồng giao dịch/ngày lên 518 tỷ đồng/ngày.

“Giá trần thị trường điện đã phản ánh cân bằng cung - cầu, tăng trưởng của phụ tải, đồng thời có diễn biến phụ thuộc vào yếu tố mùa và tình hình hệ thống điện”, ông Nguyễn Quốc Trung khẳng định.

Đặc biệt, 10 năm qua, thị trường điện luôn được vận hành liên tục, an toàn theo đúng quy định, không để xảy ra tranh chấp trên thị trường điện, kể cả trong các tình huống hệ thống khó khăn như nhiều lần cắt khí PM3, Nam Côn Sơn, lưới truyền tải bị sự cố hay nghẽn mạch, hệ thống cung cấp khí bị suy giảm, các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tham gia vào hệ thống điện với quy mô lớn, hay khi ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 trong giai đoạn 2020-2021.

Ngoài ra, công tác xây dựng, ban hành các văn bản, quy định cho thị trường cũng ngày càng đáp ứng được yêu cầu của thị trường, với 8 lần sửa đổi thông tư về thị trường và 12 quy trình dưới thông tư của thị trường đã được xây dựng và ban hành.

Có thể nói, sau 10 năm vận hành, thị trường điện đã hình thành hệ thống pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực vận hành thị trường điện. Qua đó, tạo điều kiện cho việc đáp ứng các giai đoạn phát triển cao hơn của thị trường điện.

Bên cạnh những thành công, công tác vận hành thị trường điện vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nâng cấp hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin… để thị trường điện Việt Nam phát triển hoàn chỉnh ở các các giai đoạn tiếp theo.

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường điện

Tin cùng chuyên mục

EVNNPT đóng điện Trạm biến áp 220kV Nam Cấm

70 năm ngành điện Việt Nam và sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bộ Công Thương rốt ráo chuẩn bị đưa Luật Điện lực vào thực thi

EVN tiếp tục nâng cao chất lượng kinh doanh, dịch vụ khách hàng năm 2025

Tăng cường cấp điện cho Hà Nội qua dự án truyền tải điện hơn 1.600 tỷ đồng

Công ty Điện lực Cao Bằng: Lan tỏa nghĩa tình ngành điện

Chỉ thị của Bộ Công Thương về bảo đảm cung cấp điện trong các dịp Lễ, Tết và năm 2025

EVNGENCO2 tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các dự án, nhà máy điện tại Lào

Tuyên Quang: Hoàn thành các công trình điện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương

Xuất xưởng máy biến áp 500kV lớn nhất do Việt Nam sản xuất

EVNNPT tăng cường khả năng truyền tải điện cho nhiều tỉnh miền Trung - Nam

Hội nghị Người lao động EVNGENCO2 năm 2024: Phát huy quyền dân chủ của người lao động

Gỡ vướng năng lượng tái tạo: Doanh nghiệp đánh giá cao 6 nhóm giải pháp của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Nhà máy Thủy điện Quảng Trị tích nước phục vụ sản xuất kinh doanh và cấp nước hạ du năm 2025

Hoà lưới thành công tổ máy 2 thuỷ điện Ialy mở rộng vượt tiến độ 18 ngày

Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 kỷ niệm 20 năm hoạt động

Long An và EVNNPT tìm giải pháp gỡ vướng hàng loạt dự án truyền tải điện

Đánh thức giấc mơ 'ngủ đông' điện hạt nhân: Bài 5 - Xây dựng nguồn nhân lực tự chủ - cách nào?

Công ty Điện lực Lạng Sơn: Tặng tivi, lắp đèn năng lượng mặt trời trong Tháng tri ân khách hàng

Yên Bái: Đốc thúc tiến độ khởi công dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên