Cơ chế chào giá cạnh tranh đã thúc đẩy các nhà máy chủ động giảm chi phí vận hành, nâng cao độ sẵn sàng phát điện
CôngThương - Tín hiệu khả quan
Theo những thông tin tại cuộc họp tổng kết 2 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh do Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/8/2014, số lượng các nhà máy điện (NMĐ) tham gia trực tiếp vào thị trường phát điện cạnh tranh ngày càng tăng. Khởi đầu chỉ có 32 NMĐ trực tiếp chào giá, tổng công suất 9.312 MW, đến tháng 6/2014 đã tăng lên 51 NMĐ với tổng công suất 12.478 MW.
Sau 2 năm vận hành chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, hệ thống điện được vận hành an toàn, tin cậy, nâng cao tính minh bạch, công bằng cho các NMĐ tham gia trong công tác lập lịch, huy động tổ máy; thời gian vận hành hệ thống điện được công bố công khai; cơ chế chào giá theo đúng quan hệ cung - cầu của thị trường, biến động theo sự tăng, giảm của phụ tải hệ thống điện. Đặc biệt, mô hình chào giá theo chi phí, kết hợp với cơ chế hợp đồng tài chính khác đã góp phần hạn chế tăng đột biến giá phát điện, nhất là trong một số thời điểm hệ thống điện thiếu nguồn dự phòng.
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường phát điện cạnh tranh còn một số hạn chế như: Các NMĐ tham gia gián tiếp còn chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống. Cơ sở hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu cơ bản cho vận hành...
Cơ chế chào giá cạnh tranh đã thúc đẩy các nhà máy điện chủ động cắt giảm chi phí vận hành
Ông Đinh Thế Phúc- Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng nhằm khắc phục những hạn chế, bảo đảm thị trường phát điện cạnh tranh vận hành hiệu quả hơn. |
Cơ hội cho doanh nghiệp
Trước đây, khi chưa có thị trường phát điện cạnh tranh, nhiều người lo ngại đến những yếu tố mang tính lợi ích độc quyền, thiếu sự công bằng cho các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là của những nhà đầu tư ngoài ngành điện.
Theo ông Đinh Thế Phúc- Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực- kể từ khi thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành, tất cả các đơn vị đều bình đẳng trong việc sắp xếp lịch huy động tùy theo giá chào bán trên thị trường điện. Đây là cơ chế hết sức minh bạch và bảo đảm sự công bằng cho các đơn vị phát điện. Cơ chế chào giá cạnh tranh đã thúc đẩy các đơn vị phát điện chủ động cắt giảm chi phí vận hành và nâng cao độ sẵn sàng phát điện, đồng thời khuyến khích các đơn vị phát điện bố trí sửa chữa bảo dưỡng vào những giai đoạn hệ thống có dự phòng công suất lớn. Qua khảo sát từ thực tế, các NMĐ tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, ngoài việc nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý, nhân lực... đã đưa ra kế hoạch sản xuất- kinh doanh hiệu quả.