Ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, năm 2020, theo Quyết định phê duyêt của Bộ Công Thương (thời điểm chưa có Covid-19) thì nhu cầu điện của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao. Tổng sản lượng điện sản xuất cả năm theo kế hoạch đạt 261.456 tỷ kWh. Để đáp ứng nhu cầu điện, EVN cũng dự tính sẽ chạy thêm khoảng 3,4 tỷ kWh điện dầu. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phụ tải tiêu thụ điện giảm thấp dẫn đến các nguồn điện được khai thác đều thấp hơn kế hoạch. Sản lượng điện thực tế chỉ đạt hơn 247 tỷ kWh, tăng trên 3%, giảm 14,350 tỷ kWh. Trong 4 tháng đầu năm 2021, điện sản xuất tăng trưởng 7,92%; điện thương phẩm tăng 6,74%.
Thống kê của EVN cho thấy, nếu như năm 2019 có khoảng 5.000MW điện mặt trời nối lưới thì đến đến năm 2020 đã có thêm gần 5.000 MW điện mặt trời nối lưới và khoảng 7.000-8.000 MW điện mặt trời mái nhà và trên 600 MW điện gió được đưa vào vận hành. Theo kế hoạch, năm 2020, sẽ huy động hơn 10 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo, nhưng thực tế đã khai thác lên đến 12 tỷ kWh.
Cho đến nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 70.000 MW. Trong đó, riêng điện mặt trời tính đến tháng 4/2021 đã đạt 18.783 MW (9.583 MW điện mặt trời áp mái và khoảng 9.200 MW điện mặt trời trang trại). Và từ nay đến cuối năm 2021, sẽ có thêm khoảng 4.000-5.000MW điện gió được đưa vào vận hành theo kế hoạch nhà đầu tư đã đăng ký. Dự kiến năm 2021, sản lượng điện huy động từ NLTT đạt khoảng 32 tỷ kWh.
Đáng chú ý, các nguồn NLTT nối lưới tập trung cục bộ ở một số khu vực, dẫn đến khó khăn trong vận hành hệ thống điện. Mặc dù có khó khăn nhưng EVN vẫn đảm bảo huy động các nguồn điện theo hướng ưu tiên NLTT, đảm bảo cấp điện toàn liên tục cho các phụ tải.
Chia sẻ thêm về những khó khăn và ảnh hưởng đến hệ thống điện khi có nhiều nguồn NLTT, ông Nguyễn Văn Ninh cho biết, đã xẩy ra tình trạng thừa nguồn và quá tải đường dây nội miền, đường dây liên kết 500kV; Phụ tải chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm lớn; Việc dự báo công suất phát của điện NLTT gặp khó khăn do sai số lớn; Hệ thống điện của Việt Nam vận hành độc lập (không giống như lưới điện liên kết ở khu vực châu Âu) trong khi đó về yếu tố kỹ thuật cũng như đảm bảo vận hành thị trường điện cạnh tranh và các quy định khác vẫn phải duy trì nguồn điện truyền thống.
EVN: Đề xuất giải pháp tối ưu vận hành hệ thống điện khi có năng lượng tái tạo |
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện cũng như hiệu quả kinh tế, theo ông Nguyễn Đức Ninh, việc cắt giảm nguồn NLTT là cần thiết. Trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng điện năng lượng mặt trời áp mái cắt giảm khoảng 447,5 triệu kWh, chiếm 13,3%. Dự kiến cả năm 2021 sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh, chiếm 9% tổng sản lượng NLTT.
Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, trong 4 tháng đầu năm 2021, do ưu tiên huy động nguồn NLTT mà các nhà máy nhiệt điện đã phải khởi động tổ máy đến hơn 334 lần. Con số này vào năm 2020 là 192 lần. Với một dự án điện than, khí, dầu, mỗi lần tắt máy và khởi động lại như vậy chi phí lên tới cả chục tỷ đồng, chưa kể gây nguy cơ hỏng hóc, giảm tuổi thọ máy. Trên thực tế đã có sự cố tổ máy tai nhà máy Phú Mỹ 2.2; nhà máy Bà Rịa...
Từ thực tế vận hành, EVN cũng đã xây dựng các giải pháp, báo cáo cơ quan chức năng trong đó đề nghị rà soát cập nhật, hiệu chỉnh các thông tư, quy trình để phù hợp với điều kiện vận hành hệ thống điện có tỷ trọng NLTT cao, đặc biệt với tỷ lệ thâm nhập lớn điện mặt trời mái nhà ở lưới phân phối, sớm ban hành cơ chế đối với điện mặt trời mái nhà, trong đó khuyến khích tăng lượng công suất tự dùng cũng như đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật.
EVN cũng báo cáo Bộ Công Thương/Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đấu giá/đấu thầu các dự án điện gió, mặt trời – bổ sung Quy hoạch theo kế hoạch thực hiện 3-5 năm với qui mô phù hợp tại từng thời điểm, từng khu vực trong tương lai, tránh tình trạng quá tải lưới điện và thừa nguồn. Đồng thời đề xuất về cơ chế đầu tư xây dựng hệ thống pin tích trữ (BESS); cơ chế dịch vụ phụ trợ trong Hệ thống điện để khuyến khích các đơn vị phát điện tham gia. Đề nghị sớm phê duyệt bổ sung qui hoạch các công trình lưới điện cấp thiết phục vụ giải tỏa NLTT. Xem xét tổng thể về sự cần thiết của cơ chế chi phí tránh được và điều chỉnh lại phương pháp tính toán chi phí tránh được trong bối cảnh NLTT thâm nhập với tỷ lệ ngày càng cao.