Thị trường bất động sản lấy lại ''sức sống'', bám sát tiến trình phục hồi trong 'chu kỳ mới'
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 8 và 8 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho biết: Tính đến ngày 31/8, vốn đăng ký cấp mới vào lĩnh vực bất động sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng gấp 5 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng nguồn vốn mới (12 tỷ USD). Nếu tính cả vốn đăng ký mới và điều chỉnh, FDI đăng ký vào bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Thực hiện theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Từ ngày 1/8/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Mức lãi suất mới này được điều chỉnh nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình cho vay và giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước.
Theo đó, mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 6,6%/năm nên lãi suất cho vay để mua, thuê mua NƠXH, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở trước ngày 1/8/2024 là 6,6%/năm.
Thị trường bất động sản đang bắt đầu bước vào chu kỳ hồi phục mới |
Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 cũng được kỳ vọng sẽ có những tác động mạnh đến thị trường bất động sản.
Luật Đất đai 2024 được xây dựng dựa trên cơ sở chính trị là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng, với mục tiêu tổng quát: "Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả". Nghị quyết số 18 đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong sửa đổi Luật Đất đai: Nguồn lực đất đai phải được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; việc quản lý, sử dụng đất phải đảm bảo công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam - cho biết: “Với những đột phá mới từ Luật Đất đai 2024, các chính sách đổi mới liên quan đến lĩnh vực nhà ở, đất đai sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp tục phát triển cũng như xoay dòng vốn cũng như tái đầu tư trở lại các dự án trước đây. Đặc biệt, kỳ vọng của các nhà đầu tư cho rằng thị trường đã bước qua giai đoạn khó khăn và bắt đầu vào chu kỳ hồi phục mới”.
Theo các chuyên gia, sau mỗi lần có những điều chỉnh pháp lý quan trọng, thị trường bất động sản Việt Nam đều bước vào một giai đoạn phát triển mới. Từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai sửa đổi sẽ có hiệu lực, có nhiều điểm đổi mới và được đánh giá là sẽ tạo không gian cho sự phát triển của thị trường bất động sản, đồng thời giải quyết các vấn đề khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay, từ đó tạo dư địa cho sự tăng trưởng của cả nền kinh tế nói chung.
Từ những điểm sáng như thu hút đầu tư FDI, những đổi mới về chính sách, pháp luật đã và đang tạo những những kết quả phục hồi tích cực của thị trường bất động sản. Các chuyên gia kỳ vọng, Luật Đất đai 2024 khi có hiệu lực sẽ góp phần tháo gỡ được những “nút thắt” về mặt pháp lý, thu hút dòng vốn đầu tư FDI. Luật cũng bổ sung nhiều quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, như về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản và mở rộng phương thức nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, khai thác sử dụng đất đai hiệu quả, thúc đẩy phát triển bất động sản bền vững được xem là chìa khóa tạo ra sức hút các nguồn vốn đầu tư lớn cho tăng trưởng của nền kinh tế. Luật Đất đai 2024 sau khi đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ tạo ra thời cơ lớn cho sự phát triển của thị trường bất động sản, biến đất đai trở thành một "nguồn lực nội sinh" thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.