Thứ năm 21/11/2024 21:52

Thêm nguồn lực để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer

Việc chăm lo dạy chữ Khmer cho con em dân tộc Khmer là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, giúp giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc.

Nhộn nhịp lớp học tiếng dân tộc

Tiếng nói, chữ viết của mỗi dân tộc luôn giữ vai trò rất quan trọng trong việc làm phong phú thêm nền văn hóa của mỗi quốc gia. Tại các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua các ngành, các cấp luôn chú trọng việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Khmer. Qua đó, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer và sự đa dạng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Điển hình như tại Cà Mau, thời gian qua, các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau được tạo điều kiện về cơ chế và hỗ trợ về kinh phí để giữ gìn, phát huy. Dịp hè năm 2023, các địa phương đã triển khai thực hiện tổ chức dạy và học chữ Khmer, chữ Hoa, góp phần bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, việc tổ chức dạy và học chữ Khmer được tổ chức tại các điểm chùa, salatel, các điểm trường và gia đình hộ dân trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và được bà con đồng bào dân tộc Khmer đồng tình hưởng ứng.

Trong 2 tháng hè, Cà Mau đã triển khai thực hiện tại 18 điểm dạy, với 27 lớp, đã thu hút 481 học sinh theo học. Tập trung nhiều nhất ở các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, ông Nguyễn Việt Bắc cho biết: Dịp hè hàng năm, trên địa bàn xã đều tổ chức các lớp dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc Khmer. Hè năm nay, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, xã tổ chức được 2 điểm dạy chữ Khmer ở Chùa Rạch Giồng và Trường tiểu học Hồ Thị Kỷ B. Đặc biệt, tại điểm dạy Chùa Rạch Giồng, các sư, Ban quản trị, Ban hoằng pháp chùa đã hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều về cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các em trong khu vực được thuận lợi học tập.

Qua khảo sát nắm thông tin, tại các điểm dạy này, ngoài con em đồng bào dân tộc Khmer theo học còn có học sinh là người Kinh. Điều này cho thấy, việc học chữ Khmer trong cộng đồng ngày càng được quan tâm. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc Khmer quan tâm, tạo điều kiện cho con em theo học chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình. Tiếp tục khảo sát, nắm tình hình để tham mưu các cấp có thẩm quyền quan tâm triển khai mở thêm các lớp dạy chữ Khmer, góp phần gìn giữ ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.

Nhiều lớp học Khmer được các chùa mở ra trong dịp hè. Ảnh minh họa

Tương tự, tại An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, những năm qua, cùng với chế độ, chính sách chung, tỉnh còn huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số trong việc mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tặng quà, tập, sách, xe đạp… nhằm tạo điều kiện tối đa cho học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Đồng thời, duy trì việc dạy tiếng đối với vùng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số (Chăm, Khmer), góp phần giảm tình trạng bỏ học đối với con em vùng dân tộc thiểu số, duy trì tiếng mẹ đẻ… Hiện trên địa bàn An Giang có 19 trường thực hiện, với 172 lớp, 4.254 học sinh. Theo sư cả Chau Biêu (chùa TRo-Peang-Trao), ngoài tập trung vào dịp hè, chùa còn tổ chức học tiếng Khmer vào buổi tối (từ 18 - 19 giờ hàng ngày), tạo điều kiện cho trẻ em, bà con trong vùng đến học.

Tại tỉnh Sóc Trăng, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất cả nước, những năm qua, cứ vào dịp hè là nhiều ngôi chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói chung và thị xã Vĩnh Châu nói riêng lại mở nhiều lớp dạy chữ Khmer, thu hút đông đảo học sinh, con em phật tử tham gia học.

Đại đức Lý Phét - Trụ trì chùa Serey Kandal cho biết, so với những năm trước, mùa hè năm nay số lượng các em đến chùa học chữ Khmer tăng gấp đôi. Do đó, nhà chùa cũng bố trí phòng học, sắp xếp thời gian, chia lớp học cho phù hợp theo từng lứa tuổi để giúp các em dễ học và tiếp thu. Việc chăm lo dạy chữ Khmer cho con em phật tử là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, giúp giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc.

Cần chuẩn hóa chương trình tiếng dân tộc

Để giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc, nhiều năm qua, các địa phương đã đưa chương trình dạy môn tiếng Khmer vào trường học. Tuy nhiên, việc giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ là thiếu cơ sở vật chất, mà thiếu sách, giáo trình thống nhất, ngay cả giáo viên dạy tiếng Khmer ở một số trường cũng chưa đạt chuẩn đào tạo, phần lớn chỉ tham dự các lớp chuyên đề, bồi dưỡng ngắn hạn.

Cùng với đó, theo lãnh đạo tỉnh An Giang, cần có bộ sách dạy tiếng Khmer, Chăm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng nhu cầu học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tài liệu dạy học cần chú trọng đến vốn văn học dân gian, văn học viết của dân tộc thiếu số Khmer và Chăm; việc xây dựng nội dung học liệu cần có hướng mở để các địa phương vận dụng linh hoạt trong tổ chức giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Còn ở Sóc Trăng, theo ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng, để tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác dạy và học chữ cho học sinh dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng phối hợp với Ban Dân tộc trình Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 6/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp Hè; tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm thực hiện, Sóc Trăng đã chi hơn 3,2 tỷ đồng hỗ trợ theo Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục Sóc Trăng sẽ tham mưu với tỉnh tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người dạy chữ và tiếng của đồng bào dân tộc.

Hà Linh
Bài viết cùng chủ đề: dân tộc Khmer

Tin cùng chuyên mục

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống

Những nghệ nhân nhí 'giữ hồn' cho văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Xây dựng mô hình sản xuất giỏi tại huyện miền núi A Lưới

Kon Tum: Nét đẹp văn hóa đặc trưng trong trang phục truyền thống của người Gié - Triêng

Thể lệ Cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024

Gia Lai: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thách thức

Độc lạ với 'báu vật' quần áo làm từ vỏ cây của người Xơ Đăng ở Kon Tum

Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm 2024: Thu hút đầu tư du lịch khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ

Bố Trạch - Quảng Bình: Tính dụng chính sách “chủ công” hỗ trợ hộ nghèo

Thừa Thiên Huế: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ IV

Trình diễn “Nghệ thuật trang trí trên vải của người Lô Lô”

Du khách sẽ được tham dự Tết Chôl Chnăm Thmây tại Làng Văn hoá các dân tộc

Lễ hội Hết Chá răn dạy con người biết sống có tình, có nghĩa

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cor gần gũi với thiên nhiên

Nét duyên trong trang phục phụ nữ dân tộc Lào vùng Tây Bắc

Kế hoạch tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4

Lễ hội Rija Nagar - Lan tỏa các giá trị văn hóa Chăm

Thổ cẩm, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào S’tiêng