Chủ nhật 17/11/2024 10:22

Thay thế Nghị định 67: Hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác xa bờ

Dự thảo nghị định mới đang được Bộ Nông nghiệp xây dựng quan tâm đến quy định cơ cấu lại nợ để tháo gỡ khoản vay nợ xấu của các tàu cá đóng theo Nghị định 67.
Tàu cá đóng theo Nghị định 67. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản thay thế cho Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67).

Đây sẽ là chính sách góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản, trong đó sẽ khai thác kinh tế biển hiệu quả, bền vững theo định hướng bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học như Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, nhiều chính sách trong dự thảo nghị định đang được lấy ý kiến để hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác xa bờ hiệu quả. Đặc biệt, nghị định mới sẽ có thêm các chính sách về hỗ trợ nuôi biển, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản so với Nghị định 67.

Ngoài chính sách tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản; duy trì mức hỗ trợ và phạm vi bảo hiểm đã cam kết tại Nghị định 67 thì dự thảo nghị định mới đặc biệt quan tâm đến quy định cơ cấu lại nợ, chính sách chuyển đổi chủ tàu để tháo gỡ khoản vay nợ xấu với các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67.

Theo các chuyên gia, điều này sẽ giúp cho các tàu cá đang không được khai thác hiệu quả bởi chủ cũ sẽ có cơ hội được sang chủ mới có kinh nghiệm đi biển, kinh nghiệm nghề sang khai thác hiệu quả con tàu.

Về cơ cấu lại nợ, ông Nguyễn Văn Trung cho biết sẽ điều chỉnh thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay.

Theo dự thảo, các ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với số lần không hạn chế nhưng tổng thời gian các lần gia hạn nợ không quá 1/3 thời gian cho vay ban đầu khi ký hợp đồng tín dụng.

Đặc biệt về chính sách chuyển đổi chủ tàu, ông Nguyễn Văn Trung cho hay chính sách sẽ cho phép chuyển đổi chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới, nâng cấp nhưng không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Chủ tàu mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.

Chủ tàu mới phải có đủ năng lực tài chính với vốn tự có tối thiểu 30% khi mua lại tàu từ chủ cũ cùng với năng lực khai thác thủy sản được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xác nhận. Chủ tàu mới được ngân hàng thương mại xem xét cho vay để thanh toán một phần chi phí mua tàu theo quy định hiện hành nếu có nhu cầu.

Nhằm đơn giản thủ tục hành chính, giúp ngư dân dễ dàng tiếp cận chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép, thay cho việc thanh toán trước đây phải trải qua nhiều thủ tục, chứng từ thì dự thảo nghị định mới sẽ có các mức hỗ trợ với trình tự thủ tục, hồ sơ đơn giản hơn.

Hồ sơ chỉ gồm đơn đề nghị có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã; bản hợp đồng, thanh lý hợp đồng duy tu, sửa chữa tàu cá, hóa đơn thanh toán; bản phô tô giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Ngư dân sẽ được nhận mức hỗ trợ 150 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài từ 15-24m; 200 triệu đồng với tàu từ 24-30m; 250 triệu đồng với tàu từ 30m trở lên.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 vươn khơi thì dự thảo nghị định mới sẽ có thêm chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, các chính sách hỗ trợ cho phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển dự kiến sẽ được áp dụng như: hỗ trợ chí phí lồng nuôi cá biển; hỗ trợ chi phí đầu tư mới nuôi nhuyễn thể, giáp xác, rong biển; hỗ trợ đầu tư các cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.

Tàu cá được đưa lên bờ để nâng cấp. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng việc đẩy mạnh nghề nuôi biển sẽ giúp giảm áp lực khai thác, chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và nguồn lợi hiện có, góp phần vào phát triển thủy sản bền vững. Trong khi đó, thực tế nuôi biển ở Việt Nam mới chiếm khoảng 14% so với tiềm năng. Nếu Việt Nam phát triển nuôi được 50% tiềm năng đã là lợi thế rất lớn so với nhiều nước. Phát triển nuôi biển vững mạnh cũng là một trong những yếu tố góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển.

Với việc xây dựng chính sách mới, tránh để xảy ra tình trạng lại phải có thêm nghị định khác sửa chữa hay thay thế nghị định mới này. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng nghị định mới phải được kế thừa, tổng kết từ thực tiễn một cách chặt chẽ, chắc chắn để khi đi vào cuộc sống, các chính sách phải đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả. Nghị định mới cần được cân nhắc trong khâu xây dựng thiết chế, tránh tình trạng chính sách có kẽ hở và bị lợi dụng./.

www.vietnamplus.vn
www.vietnamplus.vn
Bài viết cùng chủ đề: Nợ xấu

Tin cùng chuyên mục

TP. Hồ Chí Minh: Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên bắt đầu vận hành thử nghiệm 100% công suất

Nâng quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp: Cần có lộ trình phù hợp

Phát triển kinh tế đa dạng sinh học: Cần liên kết các nguồn lực tài chính

Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đến vấn đề bảo mật thông tin

Triển lãm ngành cấp thoát nước và xử lý nước thải: Hướng tới phát triển bền vững

Thực hành tốt 5S tại doanh nghiệp để mang lại hiệu quả năng suất tối ưu

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Kinh tế tuần hoàn tiên phong: 'Chìa khóa' để phát triển bền vững

Báo chí và doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong phát triển bền vững

Doanh nghiệp dệt may chủ động chuyển đổi xanh

Hàng không Việt Nam tăng chuyến bay sau bão Trà Mi

Khai mạc Tuần lễ kết nối chuỗi sản xuất tiêu dùng bền vững làng nghề truyền thống 2024

Sắp diễn ra Tuần lễ kết nối chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững làng nghề Hà Nội

Thái Bình: Mô hình OCOP thành công từ ngành chăn nuôi và thủy sản

Hà Giang: Nỗ lực thu hút đầu tư phát triển thương mại biên giới

Các tỉnh Tây Bắc quan tâm xây dựng 'Đô thị xanh – thông minh – bền vững'

Lâm Đồng: Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động môi trường

Thúc đẩy sớm hình thành nền công nghiệp tái chế tại Việt Nam

Hiệu quả từ những giải pháp để Côn Đảo xanh, phát triển bền vững

Bộ Giao thông vận tải xây dựng quy định điều kiện cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, kiểm định khí thải