Sáng 16/10, thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhằm hiện thực hoá Nghị quyết số 21-NQ/TU của tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã và đang hướng đến ngành nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ được xác định là hướng đi quan trọng để phát triển nền nông nghiệp xanh, tạo ra thực phẩm an toàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường.
Sản phẩm cà chua hữu cơ của Công ty TNHH trang trại Langbiang farm |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã thống kê, diện tích các loại cây trồng tạo ra nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp có khả năng tái sử dụng theo hướng tuần hoàn khoảng 283.202 ha; tỷ lệ trung bình phụ phẩm được thu gom, xử lý trong lĩnh vực trồng trọt đến năm 2023 là hơn 70%; tuy nhiên, tỷ lệ tái sử dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn còn thấp, trung bình khoảng 45%. Những phụ phẩm trồng trọt chủ yếu này được thu gom tái sử dụng làm phân bón, làm thức ăn chăn nuôi, làm chất độn chuồng, che phủ đất, trồng nấm…
Ngoài ra, mỗi năm khối lượng chất thải từ chăn nuôi ra môi trường khoảng hơn 1.082 ngàn tấn chất thải rắn. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải bằng biogas và các hình thức xử ý tiên tiến khác đạt khoảng 75%. Có khoảng trên 70% khối lượng chất thải rắn chăn nuôi như phân, nước tiểu, chất độn chuồng được thu gom, xử lý nhằm tái tạo làm phân bón cho cây trồng và khoảng 80% lượng nước thải từ chăn nuôi gia súc được thu gom vào hệ thống hầm biogas để xử lý tạo khí đốt và tưới cho cây trồng, nhất là đồng cỏ để phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc; trên 95% chất thải từ chăn nuôi tằm được thu gom, xử lý và tái sử dụng cho cây trồng.
Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án phát triển sản xuất hữu cơ, các chương trình kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… đã từng bước giảm dần việc sử dụng các loại hoá chất trong nông nghiệp và tăng tỷ lệ xử lý chất thải từ vật tư nông nghiệp. Xác định được 171 vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ với diện tích 18.980 ha, các địa phương đã tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp đối với từng vùng, từng địa phương và từng loại cây trồng, vật nuôi.
Mô hình sản xuất tuần hoàn, hữu cơ Trang trại bò sữa Vinamilk Việt Nam tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng |
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích sản xuất trồng trọt được cấp giấy chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 2.114,78 ha (tăng 957,57 ha so với năm 2021) với tổng sản lượng ước đạt hơn 14.534 tấn/năm. Trong chăn nuôi, 1.505 con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ với sản lượng khoảng 3.762 tấn sữa (huyện Đơn Dương, Di Linh); toàn tỉnh sử dụng 3.400 tấn thuốc bảo vệ thực vật (giảm 590 tấn so với năm 2021), 1,0 triệu tấn phân bón các loại trong đó 0,4 triệu tấn phân bón vô cơ và 0,6 triệu tấn phân bón hữu cơ (giảm 0,4 triệu tấn so với năm 2021).
Theo đó, nông nghiệp tiếp tục phát triển nhanh, mang lại giá trị kinh tế cao nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về an toàn bền vững, đáp ứng xu thế “sản xuất xanh và tiêu dùng xanh”, cụ thể: Diện tích sản xuất an toàn đạt 98.000 ha (tương ứng 29,8% diện tích canh tác), trong đó diện tích được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP đạt 8.000 ha; diện tích hữu cơ đạt 2.114,78 ha; diện tích cà phê UTZ,UC, Rainforest…. đạt 88.000 ha.
Hiện, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển nhiều mô hình sản xuất tuần hoàn, hữu cơ tiêu biểu như: Công ty TNHH Dalat Hasfarm; Hợp tác xã phụ nữ trùn quế Đơn Dương; trang trại bò sữa Vinamilk Việt Nam, Chi nhánh Lâm Đồng; Bùi Farm; Công ty TNHH trang trại Langbiang farm, Trang trại Thiên Sinh.
Mặt khác, thông qua việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới…. bước đầu đã phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, tạo cảnh quan, không gian xanh sạch đẹp đồng thời góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Các mô hình du lịch canh nông đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách đến với tỉnh ngày càng nhiều, đồng thời kích thích chi tiêu của khách du lịch ở mức cao hơn và tăng thời gian lưu trú của du khách, xây dựng hình thành các “Tuyến du lịch canh nông” tại TP. Đà Lạt (tuyến Vạn Thành, tuyến Hồ Xuân Hương, tuyến đèo Mimosa, tuyến Xuân Thọ) và huyện Lạc Dương (tuyến xã Đạ Sar).
Song song đó, tiềm năng lợi thế về rừng được phát huy thông qua các hoạt động phát triển kinh tế rừng như nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng, trao đổi tín chỉ carbon… Công tác quản lý bảo vệ rừng tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, qua đó kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Đồng thời tạo cơ sở để điều tiết nước, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.