Hải Phòng thu hơn 1 tỷ đồng phí nước thải công nghiệp Hiệu suất sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp đạt thấp |
Góp ý dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Dự thảo đang được xây dựng theo hướng giảm các chỉ tiêu gây ô nhiễm, giúp nâng cao chất lượng nước thải, từ đó góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn. Theo đó, VCCI hoàn toàn đồng tình với việc sử dụng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải là một công cụ để bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao sức khoẻ người dân.
VCCI góp ý dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Ảnh: ST |
Tuy nhiên, việc nâng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, theo đó cần có lộ trình phù hợp để bảo đảm sự ổn định pháp lý đối với doanh nghiệp.
Cũng theo VCCI, Điều 2, Điều 3 và Điều 4 của Dự thảo quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và lộ trình áp dụng của Quy chuẩn này, cụ thể: Quy chuẩn sẽ có hiệu lực từ năm 2025 nhưng chưa xác định ngày cụ thể; các dự án đầu tư mới phải áp dụng từ ngày Quy chuẩn có hiệu lực trong năm 2025; các dự án đầu tư đang triển khai thuộc các ngành chế biến thuỷ sản, tinh bột sắn, sản xuất cồn, sơ chế cao su thì được tiếp tục áp dụng quy chuẩn hiện hành đến hết năm 2029 và chỉ phải áp dụng Quy chuẩn mới từ đầu năm 2030; các dự án đầu tư đang triển khai khác thì được áp dụng quy chuẩn hiện hành đến hết năm 2027 và chỉ phải áp dụng Quy chuẩn mới từ đầu năm 2028.
Góp ý của VCCI cho rằng, các quy định trên chưa phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường cũng như Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, Điều 168.11 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định trong trường hợp nhà nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới thì doanh nghiệp được phép thực hiện nội dung giấy phép môi trường đến hết thời hạn giấy phép; trong trường hợp nhà nước muốn áp dụng sớm hơn thì cần quy định về lộ trình điều chỉnh, cấp lại giấy phép khi ban hành quy chuẩn mới này.
Trong quá trình thảo luận Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, quy định về thời hạn giấy phép và Điều 168.111 được đưa ra nhằm cân bằng giữa việc cải thiện chất lượng môi trường theo thời gian và việc ổn định pháp luật về đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.
VCCI cho rằng, nếu doanh nghiệp được áp dụng quy định môi trường cho suốt vòng đời dự án thì có ưu điểm là thu hút đầu tư tốt nhưng có nhược điểm là chất lượng môi trường quốc gia chậm được cải thiện. Ngược lại, nếu doanh nghiệp phải áp dụng quy định mới ngay khi ban hành thì ưu điểm là chất lượng môi trường được cải thiện nhanh, nhưng nhược điểm là khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư do không tiên đoán được sự thay đổi của pháp luật. Chính vì thế, Luật mới đặt ra quy định về thời hạn của giấy phép và doanh nghiệp có thể yên tâm về sự ổn định pháp lý trong khoảng thời gian đó. Chỉ trong trường hợp mà việc điều chỉnh quy chuẩn là cấp thiết, nếu không thay đổi gấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường thì cơ quan nhà nước sẽ quy định lộ trình để doanh nghiệp phải điều chỉnh giấy phép môi trường trước thời hạn.
Đối với trường hợp ban hành Quy chuẩn nước thải công nghiệp tại Dự thảo Thông tư, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu áp dụng đúng Luật Bảo vệ môi trường và Điều 168.11 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Cụ thể, đối với dự án mới, doanh nghiệp phải đáp ứng Quy chuẩn kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. Đối với dự án đang triển khai, doanh nghiệp được phép thực hiện hết thời hạn ghi trên giấy phép. Khi giấy phép hết thời hạn, doanh nghiệp xin cấp lại giấy phép mới thì cần đáp ứng Quy chuẩn này. Đề nghị không quy định về việc áp dụng sớm, trước khi hết thời hạn của giấy phép đối với dự án đang triển khai.