Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi
Tại Hội thảo Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn, đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định, chuyển đổi xanh không chỉ là con đường tất yếu để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đã cam kết tại COP26 vào năm 2021 và cam kết lịch sử về chuyển đổi năng lượng tại COP28 vào năm 2023, mà là con đường bắt buộc mà doanh nghiệp phải đi qua nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển bền vững và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyển đổi xanh là con đường bắt buộc doanh nghiệp phải đi qua. Ảnh N.H |
Đặc biệt, chuyển đổi kép càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến môi trường và các hệ sinh thái, đến đời sống, sản xuất của con người và cộng đồng doanh nghiệp.
Để giảm tác động của biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn với sản phẩm nhập khẩu, ví dụ như Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu sẽ phải đáp ứng vào năm 2025, nếu không doanh nghiệp sẽ không xuất khẩu được hàng hoá sang các quốc gia châu Âu.
Cơ chế CBAM của EU, với mục tiêu hạn chế lượng khí thải carbon từ các sản phẩm nhập khẩu, đã và đang tạo ra những tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp xuất khẩu trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, theo bà Lê Minh Trang - Phó Giám Đốc bộ phận Nghiên cứu Bán lẻ - Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ): Xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam đang có những bước tiến đáng khích lệ khi người tiêu dùng dần quan tâm hơn đến sự bền vững trong tương lai. Điều này không chỉ phản ánh trong thói quen mua sắm mà còn thể hiện qua những ưu tiên và mối quan tâm dài hạn của họ đối với môi trường sống xung quanh.
Theo nghiên cứu Consumer Outlook and Expectation 2024 tại Việt Nam từ NIQ, 16% người tiêu dùng Việt đã coi tương lai bền vững (Future sustainability) là một trong những yếu tố quan trọng trong lối sống và các quyết định tiêu dùng của họ trong các ưu tiên dài hạn. Đặc biệt, 24% người tiêu dùng hiện đang chú trọng đến lối sống bền vững (sustainable living) trong những kế hoạch ngắn hạn, cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của xu hướng sống thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, trong số các ưu tiên cá nhân ngắn hạn, 82% người tiêu dùng Việt Nam đang tập trung vào việc cải thiện sức khỏe thể chất và hạnh phúc (physical health and wellbeing), điều này đồng nghĩa với việc họ không chỉ quan tâm đến việc chăm sóc bản thân mà còn lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ có lợi cho sức khỏe và môi trường. Xu hướng này đang ngày càng phát triển và dần trở thành một phần không thể thiếu trong tư duy của người tiêu dùng hiện đại, khi mà sự kết nối giữa sức khỏe cá nhân và tính bền vững của môi trường sống ngày càng rõ ràng hơn.
Trước sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng toàn cầu cũng như Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang dần nhận thức được rằng, để giữ chân người tiêu dùng, họ không chỉ cần cung cấp sản phẩm chất lượng mà còn phải chứng minh được sự cam kết trong việc bảo vệ môi trường. Nhiều thương hiệu lớn đã bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình theo hướng bền vững, từ việc sử dụng bao bì tái chế, đến cam kết giảm thiểu khí thải carbon và bảo vệ nguồn nước.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng chuyển đổi xanh. Ảnh NH |
Doanh nghiệp chủ động bắt nhịp xu hướng
Nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh cũng như xu hướng tiêu dùng mới của người tiêu dùng hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực hành động nhằm giảm phát thải carbon, giảm rá thải nhựa ra môi trường.
Theo ông Văng Viên Thông – CEO & Founder - thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế REPEET: Thay vì sử dụng polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ, REPEET sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững từ sợi polyester tái chế có nguồn gốc tại Việt Nam. Thương hiệu đã xây dựng thành công chuỗi cung ứng từ khâu thu gom, phân loại, tái chế, sản xuất xơ, sợi, dệt vải đến các sản phẩm thời trang, góp phần giảm thiểu 57% phát thải carbon, và tiết kiệm 70% lượng nước tiêu thụ.
“Bằng cách sử dụng 10 tấn vải REPEET, chúng ta đã góp phần tái chế gần 1,45 triệu chai nhựa PET, giảm lượng khí thải carbon ra môi trường tương đương một chiếc ô tô chạy 57.000 km, đồng thời tiết kiệm 70.000 lít nước” – ông Văng Viên Thông chia sẻ.
Tiên phong trong việc tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam thành các sản phẩm may mặc bền vững không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn mở ra một mô hình kinh doanh mới, đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của ngành dệt may toàn cầu. Với chiến lược phát triển bền vững, hiện REPEET chinh phục không chỉ thị trường nội địa mà còn mở rộng ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng cao, REPEET đang không ngừng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển những công nghệ tái chế mới, góp phần xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững không chỉ cho REPEET mà cả với các đối tác, nhãn hàng thời trang và xu hướng tiêu dùng bền vững.
Tương tự ông Craig Bradshaw - Tổng Giám đốc của Masan High-Tech Materials cho biết: Doanh nghiệp đã tạo nên sự khác biệt trên thị trường toàn cầu nhờ chiến lược phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung vào tái chế, phát triển sản phẩm xanh và hướng đến tăng trưởng xanh. Đặc biệt, công ty tiếp tục đầu tư vào đổi mới sáng tạo và cải tiến quy trình sản xuất để tạo ra các giải pháp tiên tiến, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Các sản phẩm của Masan High-Tech Materials không chỉ phục vụ cho nhu cầu ngày càng lớn của ngành công nghiệp xanh mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi xanh (cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp pin điện …) và sản xuất bền vững. Qua đó, công ty xây dựng một hệ sinh thái năng lượng sạch, giúp bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định, chuyển đổi xanh cũng mang lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Thông qua chuyển đổi xanh, doanh nghiệp không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ mà còn dần khẳng định được trách nhiệm với môi trường, cộng đồng và gia tăng uy tín với đối tác, người tiêu dùng. Theo đó, vượt qua những rào cản về tài chính, công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi kép vẫn là xu hướng được các doanh nghiệp lựa chọn trong hành trình phát triển bền vững.