Chủ nhật 24/11/2024 11:44

Thấy gì sau 1 năm tỉnh Lạng Sơn triển khai Nền tảng cửa khẩu số?

100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và được xử lý trên nền tảng này.

Ứng dụng công nghệ camera AI để nhận dạng biển số xe

Sau 8 tháng xây dựng (từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2022), tỉnh Lạng Sơn đã tạo ra một Nền tảng cửa khẩu số sử dụng công nghệ hiện đại, giúp các lực lượng chức năng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các hoạt động trên một Nền tảng số duy nhất.

Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động cửa khẩu

Nền tảng cửa khẩu số thực hiện số hóa hoàn toàn các thông tin khai báo của doanh nghiệp trước khi hàng hóa đến cửa khẩu. Công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị tại cửa khẩu chỉ thực hiện kiểm tra, xác nhận đăng ký, xác nhận phương tiện thực tế vào cửa khẩu và phương tiện vào địa điểm tập kết hàng hóa trên Nền tảng cửa khẩu số; các thông tin khai báo trên Nền tảng cửa khẩu số đáp ứng được việc khai báo tờ khai điện tử để thay thế tờ khai bằng giấy như trước đây.

Mặt khác, Nền tảng cửa khẩu số ứng dụng công nghệ camera AI (trí tuệ nhân tạo) để nhận dạng biển số xe, kết nối với bản đồ số và hệ thống định vị để điều tiết, giám sát mật độ lưu lượng xe và đặc biệt là kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu với ngành Hải quan, cơ sở dữ liệu đăng kiểm Bộ Giao thông vận tải và cơ sở dữ liệu của các ngành chức năng khác. Việc kết nối này thể hiện độ tin tưởng cao cũng như tính chính xác của các dữ liệu trong hệ thống.

Đồng thời, với việc số hóa hoàn toàn các quy trình, tổ chức, các lãnh đạo sẽ được cung cấp các dữ liệu thời gian thực một cách chính xác, độ tin cậy cao phục vụ đắc lực cho việc hoạch định, chỉ đạo và điều hành. Ngoài ra, Nền tảng cửa khẩu số có thể chia sẻ lại dữ liệu với các đơn vị khác phục vụ các công tác chuyên ngành riêng biệt.

Nền tảng cửa khẩu số đi vào vận hành từ 21/2/2022. Sau tròn 1 năm thực hiện, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số (bao gồm cả xe nhập và xe xuất).

Số doanh nghiệp khai báo thông tin trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số là 238.713 phương tiện. Trong đó, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 30.401 phương tiện xuất và 101.412 phương tiện nhập; tại cửa khẩu Tân Thanh có 62.000 phương tiện xuất và 44.900 phương tiện nhập.

Khi sử dụng Nền tảng cửa khẩu số các doanh nghiệp chỉ phải kê khai thông tin một lần và kê khai được từ bất kỳ vị trí (chỗ) nào, bất kỳ thời gian nào, thời gian kê khai thông tin hàng hóa chỉ mất từ 2 - 5 phút nên rất thuận lợi.

Quan trọng là toàn bộ hoạt động của cửa khẩu được công khai, minh bạch, doanh nghiệp sẽ biết hàng hóa, phương tiện của mình đang ở đâu, đã được xử lý ra sao. Doanh nghiệp cũng tránh phải tụ tập đông người khi đợi nhập dữ liệu, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cả doanh nghiệp và cán bộ chức năng.

Tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí

Từ khi triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo để hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt và đạt kết quả cao.

Việc triển khai Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn, giúp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu

Nền tảng cửa khẩu số đã 25 lần nâng cấp để phù hợp với tình hình thực tế tại cửa khẩu. Đến nay, Nền tảng cửa khẩu số đã chạy ổn định, đa số các doanh nghiệp thành thạo khai báo thông tin trực tuyến và đã có hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Nền tảng cửa khẩu số.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các lực lượng chức năng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành lập 7 nhóm zalo với hơn 1.000 thành viên để hướng dẫn sử dụng và tiếp nhận các thông tin, phản ánh của doanh nghiệp và các lực lượng chức năng trong việc sử dụng Nền tảng cửa khẩu số, tổng hợp tất cả các kiến nghị, vướng mắc, phát sinh trong quá trình sử dụng Nền tảng cửa khẩu số, khắc phục và xử lý ngay tại chỗ đối với những kiến nghị, đề xuất có thể giải quyết được ngay, còn lại yêu cầu Viễn thông Lạng Sơn điều chỉnh, bổ sung cập nhật trên hệ thống trong thời gian sớm nhất.

Thời gian đầu triển khai thí điểm, trung bình cán bộ hỗ trợ nhận được khoảng gần 300 thông tin phản ánh, khi Nền tảng cửa khẩu số hoàn thiện dần thì số lượng thông tin phản ánh giảm dần, đến nay mỗi ngày nhận được khoảng hơn 20 phản ánh của các doanh nghiệp, lực lượng chức năng.

Hiện nay, các thông tin phản ánh chủ yếu là các doanh nghiệp khai sai tờ khai. Đa số các doanh nghiệp ủng hộ chủ trương sử dụng Nền tảng cửa khẩu số phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu.

Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động cửa khẩu nên trong quá trình thực hiện không hề có hình mẫu, quy định, hướng dẫn nào có thể tham chiếu, học hỏi được.

Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của Lãnh đạo tỉnh cũng như sự vào cuộc một cách nghiêm túc của các cơ quan, đơn vị, Nền tảng cửa khẩu số đã được khẩn trương xây dựng và đến nay có thể khẳng định mô hình Nền tảng cửa khẩu số tại tỉnh Lạng Sơn đã được triển khai thí điểm thành công.

"Việc triển khai thí điểm thành công Nền tảng cửa khẩu số giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu; giúp minh bạch hóa, hạn chế các tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu" - đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Đồng thời, đảm bảo tính liên tục trong các hoạt động tại cửa khẩu, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số bước đầu đã được trang bị và cơ bản đáp ứng được yêu cầu triển khai Nền tảng cửa khẩu số; góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Với những kết quả và lợi ích mang lại của Nền tảng cửa khẩu số, tỉnh Lạng Sơn đã được nhận giải thưởng Vietsolutions 2022 cho Bài toán chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn đã vinh dự là 1 trong 7 cơ quan, đơn vị trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với Nền tảng Cửa khẩu số.

Đồng thời, việc triển khai thành công chuyển đổi số khu vực cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh của tỉnh Lạng Sơn sẽ hình thành nên một mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số trong cả nước, có khả năng nhân rộng áp dụng cho tất cả các cửa khẩu trên toàn quốc, góp phần hình thành hệ thống cửa khẩu số quốc gia, phục vụ cho quản lý nhà nước của Chính phủ và các địa phương, các lực lượng chức năng tại các khu vực cửa khẩu.

Nền tảng cửa khẩu số được triển khai tại tất cả các cửa khẩu trên toàn quốc sẽ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể khai báo trực tuyến, các cơ quan từ trung ương đến các tỉnh, thành phố có thể dễ dàng giám sát, quản lý và ra quyết định dựa trên dữ liệu thời gian thực, góp phần phòng chống tiêu cực, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong công tác xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể khẳng định, việc triển khai Nền tảng cửa khẩu số là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Lạng Sơn

Tin cùng chuyên mục

Bắc Giang: Kiểm soát bình ổn thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu

Quảng Ninh ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp 39,4ha ở tỉnh Thanh Hóa về tay doanh nghiệp nào?

Triển lãm tranh, ảnh, tư liệu tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa tại Thanh Hóa

Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh

Sắp diễn ra Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Cần Thơ năm 2024

Tham vấn ý kiến dự thảo Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Gia Lai: Mới lạ mô hình trồng dâu tây treo tường của chàng kỹ sư công nghệ thông tin

Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Bình Dương

Nhân sự phía Nam: Điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt 5 tỉnh, thành phố

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

Thái Bình hướng đến mục tiêu 95% người dân hiểu về tác hại của rượu bia

Lào Cai: Nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Lào Cai: Quyết liệt đẩy mạnh thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Quảng Ninh: Tập trung thúc đẩy đầu tư công, tạo nguồn lực cho phát triển

Thanh Hóa thu ngân sách năm 2024 đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ

Hội thảo quốc tế Kết nối công nghệ Đà Nẵng - Australia

Lào Cai: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ đề nghị xét công nhận nông thôn mới năm 2024