Thứ năm 24/04/2025 02:32

Thanh Hoá: Lắng nghe lòng dân từ việc 'số hóa' tên phường, xã sau sáp nhập

Tên gọi mới của xã, phường sau sáp nhập không nhất thiết phải 'số hóa', đánh số thứ tự 1, 2 3..., nên lắng nghe ý dân, ưu tiên yếu tố lịch sử - văn hóa.

Trong tiến trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, nhiều địa phương đã lựa chọn giải pháp đặt tên mới cho các đơn vị sau sáp nhập bằng cách thêm số thứ tự (như phường 1, phường 2, phường 3…). Tuy nhiên, cách làm này cũng đang bộc lộ một số bất cập. Liệu có nhất thiết phải “số hóa” tên gọi các đơn vị hành chính sau sáp nhập?

Đặt tên sao cứ phải 1, 2 , 3…

Không thể phủ nhận việc đánh số thứ tự trong tên mới gọi của phường, xã sau sáp nhập mà nhiều địa phương lên phương án, lấy ý kiến nhân dân mang lại sự đơn giản, dễ quản lý cho cơ quan hành chính. Tuy nhiên, tên gọi không chỉ đơn thuần là ký hiệu để phân biệt, mà còn hàm chứa cả chiều sâu văn hóa - lịch sử của cộng đồng.

Khi một địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử, truyền thống hoặc phong tục tập quán địa phương bị thay thế bằng những con số vô cảm, đó không chỉ là sự mất mát về danh xưng, mà còn là sự đứt gãy của mạch nối ký ức, tình cảm và niềm tự hào của người dân.

Tên gọi mới sau sáp nhập không nhất thiết phải đánh số thứ tự

Thực tế cho thấy, việc đánh số thường gây ra cảm giác xa lạ, thiếu gắn bó cho người dân. Những cái tên như “phường 1”, “phường 2”… dễ khiến người ta liên tưởng đến các đơn vị hành chính máy móc, phi cá tính, không khác gì những ô vuông trên bản đồ hành chính. Trong khi đó, cái tên gắn với địa danh nổi tiếng lại khơi gợi ký ức cộng đồng, tạo dựng bản sắc riêng cho từng vùng đất.

Trong quá trình lên đề án, cũng như lấy ý kiến nhân dân về đề án sáp nhập xã, nhiều địa phương đã thấu hiểu điều đó và lựa chọn không “số hóa” tên gọi. Mà thay vào đó là đặt tên mới dựa trên các địa danh lịch sử, yếu tố văn hóa hoặc đặc trưng truyền thống tại địa phương. Điều đáng quý là xu hướng này bắt đầu từ việc lắng nghe ý kiến nhân dân - những chủ thể gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương.

Đơn cử như tại TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), địa phương này lên phương án sắp xếp 47 phường, xã hiện nay và 2 xã Thiệu Giao, Tân Châu thuộc huyện Thiệu Hóa thành 7 phường; dự kiến tên gọi 7 phường mới là: Hạc Thành 1, Hạc Thành 2, Hạc Thành 3, Hạc Thành 4, Đông Sơn 1, Đông Sơn 2 và Đông Sơn 3.

Tuy nhiên sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Thanh Hóa đã nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương cũng như lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân và đã quyết định đặt tên 7 phường mới là: Hạc Thành, Quảng Phú, Đông Sơn, Đông Quang, Đông Tiến, Hàm Rồng, Nguyệt Viên. Sự thay đổi này đã được nhiều cử tri, nhân dân và các nhà nghiên cứu văn hóa rất đồng tình, ủng hộ, nhất là việc có tên Đông Sơn, Hạc Thành, Hàm Rồng…

Đặt tên gọi nên ưu tiên yếu tố lịch sử - văn hóa. Ảnh: Ngô Nhung

Ở Quảng Nam, địa phương này cũng đã rà soát địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống và đề xuất tên gọi mới phù hợp, thay thế phương án “đánh số thứ tự” như trước đó. Các tên gọi mới gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất đã được đề xuất như: Gò Nổi (thị xã Điện Bàn); Chu Lai (huyện Núi Thành); Hương Trà, Bàn Thạch (thành phố Tam Kỳ); Thanh Châu, Thanh Hà (thành phố Hội An); Thượng Đức (huyện Đại Lộc); Việt An (huyện Hiệp Đức); A Vương, Bến Hiên (huyện Đông Giang)… Ngoài ra, những cái tên thân thuộc như Mỹ Sơn, Vu Gia, Thu Bồn, Bến Giằng, Chợ Được, Bình Dương... cũng được đặt tên cho các xã mới.

Một địa phương khác là Hải Phòng, sau khi tiếp thu ý kiến dư luận, nhiều địa phương tại TP. Hải Phòng đã thay đổi phương án đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, chuyển sang lựa chọn những tên gọi mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử thay vì cách đặt tên theo số thứ tự khô khan như ban đầu.

Tại huyện Vĩnh Bảo, các đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ mang những tên gọi gắn bó với lịch sử, văn hóa địa phương như: Vĩnh Am, Vĩnh Hải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Bảo, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thuận. Trong đó, việc lựa chọn tên Nguyễn Bỉnh Khiêm - danh nhân văn hóa đất Việt, thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị truyền thống mà địa phương đã hun đúc.

Cần tích cực tham khảo ý dân

Việc đặt lại tên xã, phường mới sau sáp nhập không nên chỉ dừng ở góc độ nhìn nhận hành chính, mà đó là cơ hội để khơi lại bản sắc văn hóa, định vị lại hình ảnh địa phương và củng cố sự gắn kết cộng đồng. Bản sắc đôi khi không thể được mã hóa bằng số thứ tự, khô khan và máy móc.

Người dân là những người trực tiếp sống, gắn bó và gửi gắm ký ức, tình cảm vào từng địa danh, từng con đường, từng góc phố. Do đó, việc đặt tên mới cần quan tâm tiếng nói và nguyện vọng của họ.

Lấy ý kiến người dân TP. Thanh Hóa về đề án sáp nhập xã. Ảnh: Phong Sắc

Thực tế đã chứng minh, ở đâu việc lấy ý kiến được thực hiện một cách công khai, dân chủ và thực chất, ở đó sự đồng thuận của người dân cao, quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ hơn.

Sự thành công của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay không chỉ đo đếm bằng con số về bộ máy tinh gọn, mà còn bằng mức độ đồng thuận, niềm tin và sự gắn bó của người dân với quê hương - điều đó bắt đầu từ chính những điều tưởng nhỏ bé như “lấy ý kiến nhân dân”.

Việc “số hóa” tên gọi các xã, phường sau sáp nhập, dù nhằm mục đích đơn giản hóa và dễ quản lý, nhưng lại dễ dẫn đến sự thiếu kết nối giữa cộng đồng với mảnh đất của mình. Chính vì vậy, việc lựa chọn tên xã phường mới nên ưu tiên dựa trên những yếu tố lịch sử, văn hóa đặc trưng của địa phương.
Quốc Huy
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục

Thấy gì khi giới trẻ háo hức trước giờ hợp luyện diễu binh lần 2?

Chuyển quyền để chuẩn hóa quản lý, nhưng không làm gãy mạch xuất khẩu

Ớt, chanh leo, tổ yến và ‘giấc mơ lớn’ ở thị trường tỷ dân

Giữa ngày hội non sông, nghệ sĩ đừng buông lời vô cảm

Sữa giả tung hoành nhờ ‘chợ trời quảng cáo’ mạng xã hội

Muốn làm nghề giữ trẻ, trước tiên cần phải giữ mình

Mai Ly giễu nhại chế tài, Chu Thanh Huyền cảnh cáo ‘sân si’ - pháp luật đang bị ‘bỡn cợt’?

Vụ sữa giả: Đừng gắn sai trách nhiệm của Bộ Công Thương

Chuyển đổi năng lượng: Cần thể chế, vốn và con người

Khen Abbott, Ohui, Hoàng Tuấn chọn ở đâu khi phủ nhận hàng Việt?

Giáo dục đổi thay từ một quyết sách nhân văn

Loạt sao Việt quảng cáo sai sự thật: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Kẹo Kera, 600 loại sữa giả và 'bùa hộ mệnh' của gian thương

Đạo đức giá bao nhiêu?

Bê bối sữa giả: Hơn 500 tỷ trục lợi từ niềm tin người tiêu dùng

Thực phẩm bẩn tràn lan: Vai trò người tiêu dùng ở đâu?

Vụ việc MC Quyền Linh và 'khoảng trống' trong văn hóa ứng xử

Sẽ có cây sen Việt Nam vững vàng trong kỷ nguyên số

Hãy để mỗi món quà là một dấu ấn Hà Nội

Không thể xuyên tạc quan hệ tốt đẹp Việt – Trung: ‘Vừa là đồng chí vừa là anh em’