Tháng 8/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 59 nghìn tấn cà phê Robusta
This browser does not support the video element.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giá cà phê tăng vọt ngay phiên đầu tuần khi thị trường phản ứng với những hỗ trợ từ thông tin cơ bản. Theo đó, giá cà phê Arabica tăng gần 4%, lấy lại những gì đã mất trong phiên cuối tuần trước; giá cà phê Robusta tăng 2,5%, lên sát 4.900 USD/tấn.
Công ty Môi giới Hedgepoint Global Market cho biết, nhiều nông dân Brazil đang trì hoãn bán cà phê Robusta do kỳ vọng giá sẽ tăng thêm. Brazil đã bán một lượng Robusta kỷ lục trong năm nay do nguồn cung thiếu hụt từ Việt Nam. Trước đó, một số nhà phân tích cũng cho biết Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới cũng giảm lượng cà phê cung ứng ra thị trường để chờ giá lên cao hơn.
Tháng 8/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 59 nghìn tấn cà phê Robusta. Ảnh minh họa |
Lý do khiến cà phê tăng mạnh khi thị trường đang lạc quan với kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong tháng này. Giá tăng mạnh cũng do các sự kiện thời tiết toàn cầu bất lợi mang lại lo lắng đối với sản lượng cà phê toàn cầu, như tình hình khô hạn ở Brazil, xuất khẩu cà phê Việt Nam liên tục giảm các tháng gần đây. Bên cạnh đó, giới kinh doanh đang tích cực đẩy hàng về châu Âu trước khi quy định của EU về chống phá rừng có hiệu lực.
Theo các chuyên gia, thị trường hiện rất "nhạy cảm", dễ bị tác động bởi thông tin về thời tiết và sản lượng. Ngoài ra, đầu cơ trên sàn cũng là yếu tố khiến thị trường liên tục đảo chiều thời gian qua. Diễn biến giá trên thị trường hai tuần qua cho thấy rõ điều này, khi thị trường ghi nhận 1 tuần tăng vọt chưa từng thấy do lo ngại về tình trạng khô hạn quá mức ở Brazil. Nhưng ngay tuần sau đó, giá cà phê Arabica đã giảm xuống mức thấp nhất chỉ sau 1 trận mưa ở Brazil.
Theo dự báo thời tiết, trong 10 ngày tới, khu vực Đông Nam - vùng trồng cà phê chính của Brazil tiếp tục bị thiếu mưa với lượng mưa dưới mức trung bình 30mm. Nhiệt độ duy trì trên 20 độ C, có nơi trên 30 độ C. Thiếu nước kéo dài và nắng nóng có thể làm giảm năng suất và sản lượng cà phê thu hoạch vào năm 2025. Trước đó, các nhà quan sát đã đưa ra dự đoán sản lượng có thể giảm tới 20%.
Tại Việt Nam, tình trạng khan hiếm nguồn cung vào cuối niên vụ thể hiện rõ qua tình trạng xuất khẩu ảm đạm. Mối lo ngại về sản lượng ở Brazil và Việt Nam, cùng với nguồn cung toàn cầu thắt chặt hiện nay đã đẩy giá kỳ hạn của cả hai loại cà phê này lên cao.
Trong nước, ghi nhận sáng nay (10/9), giá cà phê tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đi lên cùng chiều với giá thế giới, dao động trong khoảng 119.700 - 120.300 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Sản lượng cà phê xuất khẩu của quốc gia xuất khẩu Robusta hàng đầu thế giới - Việt Nam tiếp tục giảm còn nhập khẩu tăng. Trước đây ở Việt Nam, giá cà phê thường giảm trong mùa thu hoạch, khiến nông dân bán sớm và doanh nghiệp ký hợp đồng sớm. Gần đây, giá cà phê không giảm mà còn tăng trong mùa thu hoạch, nên nông dân giữ cà phê và doanh nghiệp không ký hợp đồng sớm.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA), trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu khoảng 73.223 tấn cà phê, đạt kim ngạch gần 400 triệu USD; giảm 13,4% về lượng nhưng kim ngạch tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cà phê Robusta với 58.627 tấn, kim ngạch khoảng 285 triệu USD, còn cà phê nhân Arabica đạt 2.139 tấn, kim ngạch gần 10 triệu USD.
Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 9.116 tấn, kim ngạch trên 86 triệu USD. Khối lượng cà phê rang xay và hòa tan chiếm khoảng 12,4% và kim ngạch chiếm khoảng 21,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu.
Những số liệu thống kê xuất khẩu hàng tháng thấp hơn này nhằm nhấn mạnh thực tế là sản lượng thấp hơn và tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ nhà sản xuất Robusta hàng đầu này trong niên vụ 2023/24, một yếu tố được phản ánh rõ ràng trong các mức giá cao kỷ lục lịch sử được thiết lập trên thị trường London.
Trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu khoảng 17.281 tấn cà phê với kim ngạch trên 71 triệu USD, tăng khoảng 20,5% về khối lượng và tăng khoảng 68,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nhập khẩu cà phê nhân sống trên 14.000 tấn, kim ngạch trên 58 triệu USD.