Thái Bình: Đẩy mạnh thực hiện chi trả an sinh và lương hưu không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh
Từ đầu năm đến nay, bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thái Bình cùng các thành viên của Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện chi trả an sinh và lương hưu; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện gắn với việc tuyên truyền tính ưu việt của việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với chi trả các chế độ để người dân thấy được những tiện ích khi thực hiện. Từ đó, tạo sự đồng thuận, tích cực phối hợp thực hiện trong các tầng lớp nhân dân.
Theo thống kê, tính đến ngày 25/11/2024, toàn tỉnh Thái Bình có 98.191 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trong đó có 37.888 người nhận tiền qua tài khoản cá nhân, tăng 15.659 người so với thời điểm tháng 5/2024.
Tổng số lượt người được chi trả chế độ an sinh qua tài khoản là 61.112 người; có 4 huyện, thành phố đã thực hiện chi trả qua tài khoản của người ủy quyền của người có công và thân nhân người có công với 1.029 lượt đối tượng; số tài khoản thanh toán của các đối tượng đã được thực hiện ở 23 ngân hàng.
BHXH tỉnh Thái Bình phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 75% trở lên số người hưởng nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng. Ảnh: TBTV |
Để đạt được chỉ tiêu mà Tổ công tác đề án số 06 tỉnh đề ra, phấn đấu đến hết năm nay đạt 75% trở lên số người hưởng nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng, thời gian tới BHXH tỉnh Thái Bình sẽ cùng BHXH các huyện, thành phố phối hợp với lực lượng các công an huyện, thành phố và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện chi trả lương hưu không dùng tiền mặt. Ngoài ra, theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện chỉ tiêu của UBND cấp xã; đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả quy trình phối hợp về triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội, ngành lao động - thương binh và xã hội của tỉnh tổ chức rà soát đối tượng neo đơn, người già, không nơi nương tựa để có biện pháp hỗ trợ kịp thời giúp họ yên tâm nhận chi trả. Công an các huyện, thành phố cùng các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ người dân trong thủ tục hành chính, chủ động tham mưu với cấp có thẩm quyền thực hiện cắt giảm các bước thủ tục thực hiện chi trả, giúp người dân có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ chi trả an sinh, lương hưu không dùng tiền mặt được tốt nhất.