Nam Định lấy ý kiến nhân dân về sáp nhập tỉnh Bắc Giang lấy ý kiến cử tri sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã Tổng Bí thư: Sáp nhập tỉnh thành phải là 'hai cộng hai lớn hơn bốn' |
Thống nhất chủ trương, ý chí và hành động
Thực hiện chủ trương của Trung ương, thời điểm hiện tại, lãnh đạo cùng các ban, ngành hai địa phương Lào Cai và Yên Bái đang tích cực họp bàn, triển khai việc sáp nhập tỉnh. Mục tiêu của việc sáp nhập nhằm mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh… đã được phân tích, khẳng định. Với Lào Cai và Yên Bái, khi sáp nhập sẽ thấy rõ những lợi thế, thế mạnh được cộng hưởng; không chỉ phát huy mặt mạnh mà những hạn chế cũng sẽ có điều kiện để khắc phục khi hai địa phương hợp nhất thành một.
![]() |
Tỉnh Lào Cai với thế mạnh kinh tế cửa khẩu. Ảnh: Nhandan |
Còn nhớ, những năm trước, hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị hợp tác toàn diện. Các hội nghị thảo luận, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị…
Một số nội dung như kết nối phát triển vùng nguyên liệu, kết nối giao thông, phát triển du lịch… trong thời gian tới, khi hai tỉnh sáp nhập, sẽ không còn là sự kết hợp mà là sự thống nhất ý chí và hành động trong một tỉnh, một không gian chung rộng lớn.
Tại hội nghị đánh giá kết quả hợp tác giữa hai tỉnh và thống nhất phương án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh diễn ra ngày 9/4, phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn khẳng định: Việc hợp nhất hai địa phương là chủ trương rất đúng và là bước chuẩn bị quan trọng của Trung ương Đảng trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường phát biểu, khẳng định: Tỉnh Lào Cai và Yên Bái đều có chung lịch sử gắn bó lâu đời, có những điều kiện tự nhiên thuận lợi, giàu tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt, hai địa phương đều nằm trên trục động lực sông Hồng. Đây là những tiền đề quan trọng để khi hợp nhất, hai tỉnh phải trở thành “cỗ xe tam mã”, phát triển mạnh mẽ hơn.
Kết nối địa lý – Cộng hưởng tiềm năng
Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt lớn với nhân dân hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái: lần đầu tiên trong lịch sử, hai mảnh đất giàu truyền thống và tiềm năng được hợp nhất thành một tỉnh mới – tỉnh Lào Cai. Đây không chỉ là sự thay đổi về mặt hành chính mà còn là một bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế vùng, đưa Tây Bắc vươn xa trên bản đồ kinh tế - xã hội của đất nước.
![]() |
Tỉnh Yên Bái có thế mạnh về vùng nguyên liệu, đặc biệt là cây quế. Ảnh: CTTĐTYB |
Không phải ngẫu nhiên mà hai tỉnh này được chọn là một trong những địa phương đi đầu trong việc sáp nhập. Bởi lẽ, giữa Lào Cai và Yên Bái không chỉ có chung đường biên giới tự nhiên, hệ sinh thái rừng núi trù phú, mà còn có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc, cấu trúc kinh tế và cả tâm thế vươn lên.
Trên bản đồ Tây Bắc, Lào Cai và Yên Bái như hai người anh em “vai kề vai” dọc theo trục hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai là minh chứng rõ nét cho mối liên kết này. Việc di chuyển giữa trung tâm hành chính, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng cạn hay cửa khẩu quốc tế trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Đây chính là cơ hội vàng để tỉnh mới mở rộng các hành lang kinh tế, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến – tiêu thụ nông sản, khai thác – chế biến khoáng sản và cả phát triển các đô thị động lực ven các tuyến giao thông lớn.
Về tài nguyên khoáng sản, nếu Yên Bái được mệnh danh là "thủ phủ đá trắng", thì Lào Cai lại nổi bật với những mỏ apatit, đồng, sắt có trữ lượng lớn – là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến sâu. Khi hai vùng mỏ “bắt tay”, một trung tâm khoáng sản mới của cả nước sẽ dần hình thành, không chỉ phục vụ nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu, thông qua hệ thống logistics hiện đại từ ga Lào Cai đến các cảng biển lớn miền Bắc.
Ngoài ra, về nông nghiệp, Lào Cai mạnh về cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc; Yên Bái nổi tiếng với quế Văn Yên, hồ Thác Bà phát triển thủy sản và vùng cao Mù Cang Chải với đặc sản lúa nếp tan, gạo nếp Tú Lệ. Hai địa phương vốn đã chia sẻ giống cây trồng, mô hình liên kết, nay sẽ tiến xa hơn khi trở thành một, có thể quy hoạch lại vùng nguyên liệu theo hướng chuyên canh, đẩy mạnh công nghệ chế biến nông sản, gia tăng giá trị thay vì chỉ dừng ở xuất thô.
Về du lịch – văn hóa, không cần phải nói nhiều về Sa Pa – thương hiệu du lịch quốc gia, hay Mù Cang Chải – biểu tượng của du lịch ruộng bậc thang. Khi hai biểu tượng này “về chung một nhà”, sẽ mở ra cơ hội kết nối tuyến du lịch vùng cao liên hoàn, từ Y Tý – Sa Pa – Bắc Hà – Nghĩa Lộ – Mù Cang Chải, tạo thành “cung đường huyền thoại” thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước.
Với 30 dân tộc cùng chung sống, Lào Cai – Yên Bái là vùng đất của lễ hội, tiếng khèn Mông, điệu xòe Thái, tiếng trống Then, sắc màu chợ phiên… Sáp nhập không xóa đi bản sắc, mà giúp gìn giữ, tôn vinh sự đa dạng văn hóa theo quy mô lớn hơn. |