Thái Bình: Đa dạng giải pháp xúc tiến tiêu thụ hàng Việt
Tăng cường xúc tiến tiêu thụ hàng Việt
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Thái Bình đã tập trung tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, định hướng và tạo thói quen cho người dân có ý thức trong ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Thái Bình |
Các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo kịp thời, đầy đủ biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tạo ra sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao, giá cả hợp lý nhằm từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các sở, ngành đã tập trung triển khai rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… được chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng nội địa chân chính. Các hoạt động phối hợp xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường được đẩy mạnh.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tỉnh Thái Bình đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh; Hội nghị phát triển thị trường lúa gạo...
Các hội nghị đã tập trung giới thiệu, kết nối các kênh phân phối trong tỉnh với các tập đoàn phân phối bán lẻ, trung tâm thương mại siêu thị, chợ đầu mối, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế với trên 500 doanh nghiệp tham gia đã góp phần làm rõ các giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, có tính đồng bộ gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm, liên kết vùng, từ đó thúc đẩy xây dựng thương hiệu hàng hóa của tỉnh.
Sở Công Thương cùng các sở, ban, ngành nắm bắt, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hướng dẫn tư vấn về sở hữu công nghiệp, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, sở làm việc với các nhà phân phối, doanh nghiệp đầu mối, sàn thương mại điện tử, triển khai các biên bản hợp tác đã ký kết, liên kết đăng tải quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin, website, sàn thương mại điện tử trên cả nước.
Qua các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, các sản phẩm đặc trưng địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh được biết đến trên giá kệ của chuỗi các siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối bán lẻ trong nước và nước ngoài, cũng như tiêu thụ tốt qua một số sàn thương mại điện tử.
Một số sản phẩm có doanh số khá tốt, tăng từ 20 đến 30%/năm như ngao trắng, gạo, bún khô, phở khô, nước mắm, bánh kẹo, trà thảo dược, sản phẩm dệt đũi, đồ gốm sứ...
Các doanh nghiệp cũng khai thác tốt các kênh bán hàng truyền thống như mở điểm bán hàng tại các sự kiện, chợ truyền thống, góp phần tìm đầu ra ổn định cho hàng hóa và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Tiếp tục xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam
Nhằm hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Sáng ngày 30/8, Sở Công Thương Thái Bình đã phối hợp với UBND huyện Hưng Hà tổ chức khai trương điểm bán hàng Việt tại siêu thị Phú Sơn, thị trấn Hưng Nhân.
Điểm bán hàng Việt có diện tích hơn 100m2 được bố trí trong siêu thị Phú Sơn có tổng diện tích gần 2000m2 , với vị trí nằm bên Quốc lộ 39A, có lợi thế về thương mại , phương thức kinh doanh hiện đại, sản phẩm hàng hoá dồi dào phong phú với trên 5000 mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Như vậy, đây là điểm bán hàng Việt Nam thứ 7 của tỉnh Thái Bình được xây dựng và đưa vào sử dụng nhằm phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất – phân phối – tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hoá thiết yếu, sản phẩm OCOP, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Thái Bình xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền nội dung cuộc vận động; rà soát, bổ sung kế hoạch chương trình hành động sát với thực tế; tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của Nhà nước trong ban hành các cơ chế, điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể tiếp tục làm tốt công tác giám sát để kịp thời phát hiện những hàng hóa kém chất lượng. Các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng nhập lậu, hàng giả, nhằm tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam.