Tây Ninh: Sản xuất công nghiệp và bán lẻ hàng hoá tiếp đà tăng trưởng
Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong tháng 8, tỉnh Tây Ninh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ ở một số lĩnh vực. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá (+11,12%); Chỉ số sản xuất công nghiệp(+13,43%); doanh thu dịch vụ vận tải tăng trưởng khá cao (+24,12%).
Lĩnh vực đầu tư công từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý có những khó khăn nhất định, chi đầu tư mới đạt 51,57% kế hoạch, do khó khăn công tác chuẩn bị dự án đầu tư, một số dự án trọng điểm của tỉnh mới khởi công năm nay đang thực hiện các bước thủ tục trước khi triển khai lựa chọn nhà thầu thi công theo quy định.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 8 tăng trưởng nhẹ so với tháng trước, lũy kế 8 tháng năm 2024 tăng 13,43% (kế hoạch +15%), chủ yếu nhờ đóng góp của một số ngành có bổ sung năng lực mới hoạt động và nhu cầu thị trường tăng ở một số ngành.
Trong đó, các ngành tăng khá so tháng trước, bao gồm: Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 14,79%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,14%, trong đó, sản xuất đường tăng cao nhất (+ 30,65% do thời gian hoạt động nhiều hơn); sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột tăng 14,26%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 7,72%. Tính luỹ kế 8 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,43% so cùng kỳ (cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước).
Chỉ số sản xuất công nghiệp và Thương mại dịch vụ của Tây Ninh tăng trưởng tốt trong tháng (Ảnh: Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh). |
Cũng trong tháng 8, nhóm ngành khai khoáng có lũy kế so cùng kỳ giảm mạnh (-15,75%) do vùng khai thác bị thu hẹp, doanh nghiệp không được phép khai thác tầng sâu, trong khi sản lượng khai thác tầng trên ngày càng ít, hiện tại doanh nghiệp chỉ khai thác tận thu các vùng nguyên liệu trước đó đã khai thác nên sản lượng khai thác ngày càng giảm.
Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (+13,7%) tập trung ở các ngành: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng cao nhất (+32,77%) do có bổ sung năng lực mới; Sản xuất kim loại tăng 24,94%; Sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 23,15%; Sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 19,96%; Công nghiệp dệt tăng 18,7%; Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 13,81%, trong đó chế biến và bảo quản rau quả tăng 9,09% (chủ yếu là hạt điều), sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột tăng 5,13%, sản xuất đường tăng 15,21%, đặc biệt sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng mạnh (+79,74%) do có bổ sung thêm năng lực mới; may mặc cũng tăng 12,62%.
Nhóm ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện (+6,71%) do thời tiết nắng nóng kéo dài suốt những tháng đầu năm nên nhu cầu sử dụng điện của hộ gia đình tăng cao, đồng thời sản xuất trên địa bàn tỉnh có xu hướng phục hồi tốt, vì vậy điện dùng cho sản xuất cũng tăng lên. Tăng cao nhất là điện sản xuất khác (điện bã mía) tăng 28,78% do giá điện tăng nên doanh nghiệp tăng khối lượng sản xuất; điện thương phẩm cũng tăng cao (+17,86%); riêng điện mặt trời giảm 1,15% do bị điều tiết cắt giảm sản lượng vào giờ thấp điểm.
Nhóm ngành Hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải, tái chế phế liệu (+11,08%), trong đó: khai thác, xử lý, cung cấp nước tăng 10,19%; hoạt động thoát nước và xử lý nước tải tăng 34,77%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 1,78%.
Doanh thu thương mại đạt hơn 15.000 tỷ đồng
Cũng theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh, tính trong tháng 8/2024, doanh thu thương mại ước đạt 15.407 tỷ đồng, tiếp tục tăng so tháng trước. Nguyên nhân là do sắp bước vào năm học mới, nhiều gia đình tranh thủ những ngày còn lại của kỳ nghỉ hè để đi tham quan, du lịch nên nhu cầu vui chơi, giải trí vẫn tăng.
Một góc thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (Ảnh: H.Đông) |
Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 1,19% so với tháng trước và tăng 10,14% so tháng cùng kỳ năm trước, doanh thu bán buôn ước đạt 7.427 tỷ đồng, tăng 1,31% so tháng trước và tăng 10,36% so với tháng cùng kỳ.
Cụ thể, hoạt động thương mại bán lẻ hàng hoá, tháng 8/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.980 tỷ đồng. Trong đó, nhóm hàng lương thực thực phẩm ước đạt 2.815tỷ đồng so tháng trước; Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng 915 tỷ đồng; Nhóm bán lẻ xăng dầu các loại 1.161 tỷ đồng; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm 1.034 tỷ; Ô tô con dưới 9 chỗ ngồi 107,2 tỷ... Lũy kế 8 tháng, tổng mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 62.000 tỷ đồng.
Về doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hànhvà dịch vụ khác, trên địa bàn tỉnh tháng 8/2024 ước đạt 2.159tỷ đồng, tăng4,46% so tháng trước. Trong đó, hoạt động dịch vụ lưu trú ước đạt 33,27 tỷ đồng; Hoạt động dịch vụ ăn uống ước đạt 1.175,6 tỷ đồng; Hoạt động dịch vụ lữ hành đạt 1,92tỷ đồng; và hoạt động dịch vụ khác (trong đó có hoạt động xổ số kiến thiết) dự ước đạt 948,52 tỷ đồng, tăng10,41% so tháng trước.
Luỹ kế 8 tháng, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác đạt 16.723 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 9.310 tỷ đồng; Dịch vụ lưu trú đạt 257,6tỷ đồng; dịch vụ khác đạt 7.142 tỷ đồng; hoạt động du lịch lữ hành ước đạt 12,401 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong tháng 8/2024, qua các phiên giao dịch việc làm của tỉnh đã tư vấn việc làm và học nghề cho 1.851 lượt lao động, lũy kế (8 tháng 12.054 lao động).
Cũng theo Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh, tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 8 ước đạt 760 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng 8.421,4 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 7.253 tỷ đồng; Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 1.168 tỷ đồng.