CôngThương - Nhiều ngành hàng tăng trưởng khá
6 tháng đầu năm, Vinachem đã nỗ lực vượt khó và đã có những tăng trưởng nhất định ở một số ngành hàng. Theo thống kê, về sản lượng sản xuất, có 16/21 sản phẩm tăng và 5/21 sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2013. Về tiêu thụ, có 14/21 sản phẩm tăng và 7/21 sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2013; Lượng tồn kho cũng giảm với 15/21 sản phẩm, 6/21 sản phẩm tồn kho tăng.
Về phân bón, riêng trong quý II, mặc dù nhu cầu phân bón tiếp tục suy yếu nhưng Vinachem cùng các đơn vị thành viên đã tích cực, chủ động giải quyết khó khăn, mở rộng thị trường tiêu thụ nên vẫn duy trì sản xuất ổn định, tồn kho giảm mạnh so với quý I và so với cùng kỳ năm 2013.
Với ngành hàng cao su, sản xuất thuận lợi do giá cao su tiếp tục giảm thấp hơn so với quý I năm 2014. Giá trị sản xuất công nghiệp quý II tính theo giá thực tế đạt 1.765 tỷ đồng, tăng 6,6% so với quý I. Doanh thu quý II đạt 1.936 tỷ đồng, tăng 21,1% so với quý I, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 3.534 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Sản lượng quặng apatit cũng tăng trưởng khá, với giá trị sản xuất công nghiệp quặng apatit quý II tính theo giá thực tế đạt 984 tỷ đồng, tăng 22% so với quý I, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2013…
Để bảo đảm phát triển bền vững, Vinachem cần tháo gỡ một số khó khăn đặc biệt với mặt hàng phân bón và cao su. Trước tình hình phân bón giá rẻ (nhất là ure) nhập khẩu vào Việt Nam tràn lan, Vinachem kiến nghị nên kiểm soát chặt việc phân bón nhập khẩu tiểu ngạch; xem xét tăng thuế suất, thuế nhập khẩu phân bón ure lên mức 7%. |
Tập trung vào tái cơ cấu
Ông Nguyễn Gia Tường - Tổng giám đốc Vinachem - cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Vinachem tiếp tục tập trung mọi giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu tập đoàn. Thực hiện tái cơ cấu tổ chức và quản trị doanh nghiệp, Vinachem tiếp tục triển khai sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ theo kế hoạch của tập đoàn đã đề ra. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2016- 2020, có xét đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành việc phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động các Công ty TNHH MTV do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sở hữu 100% vốn điều lệ theo đúng quy định pháp luật. Về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, Vinachem tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện công tác cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Vật tư và Xuất nhập khẩu hóa chất theo quy định của pháp luật; cổ phần hóa Công ty TNHH MTV DAP- Vinachem và Công ty TNHH MTV Hơi kỹ nghệ Que hàn; lập kế hoạch chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Song song với quá trình này, Vinachem thực hiện công tác thoái vốn của tập đoàn tại 11 doanh nghiệp còn lại nằm trong danh mục.
Để bảo đảm phát triển bền vững, Vinachem cần tháo gỡ một số khó khăn đặc biệt với mặt hàng phân bón và cao su. Với mặt hàng cao su, Hiện các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm săm lốp cao su trong nước đang gặp khó trong vấn đề giá thành, do khó cạnh tranh được với săm lốp nhập khẩu gian lận thuế từ Trung Quốc. Thực tế này đã diễn ra nhiều năm nay, Vinachem kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xây dựng và ban hành các quy định về hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm săm lốp cao su để ngăn chặn hàng kém chất lượng, gian lận thương mại nhập khẩu vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng.