Tăng tuổi nghỉ hưu và lợi ích của người lao động
Tăng quyền lợi cho người lao động
Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường (theo Khoản 2, Điều 169 của Bộ Luật Lao động) được quy định là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Quy định mới này cũng đã tác động khá lớn đến người lao động, ngay trong năm đầu tiên triển khai, dù rằng thời điểm năm 2021, độ tuổi nghỉ hưu của mỗi người chỉ kéo dài thêm 4 tháng.
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu được áp dụng từ năm 2021 |
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Linh - nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) - cho biết, nếu không có luật tăng tuổi nghỉ hưu thì tôi sẽ về nghỉ theo chế độ từ tháng 10/2020. Tuy nhiên, áp dụng theo quy định mới, thời hạn nghỉ hưu của tôi sẽ kéo dài đến năm 2021.
Nói về sự thay đổi này, bà Linh cũng cho biết: “Tôi trưởng thành từ xã nên so với những người cùng độ tuổi, thời gian chính thức được đóng BHXH muộn hơn. Trong đó, có một thời gian khá dài chúng tôi tham gia BHXH tự nguyện. Hiện tại, khi được kéo dài tuổi về hưu và tuy thời gian không nhiều nhưng chúng tôi vẫn thấy vui vì có thêm thời gian để cống hiến cho các phong trào ở địa phương, được kéo dài thời gian tham gia BHXH, góp phần cải thiện tiền lương sau khi về hưu…".
Cụ thể, ở một số ngành nghề việc được kéo dài thời gian nghỉ hưu giúp người lao động có cơ hội để phát huy được kinh nghiệm, tri thức, khả năng, đặc biệt là với những lao động có tay nghề, có tri thức, có trình độ.
Đơn cử tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, mặc dù công việc này khá đặc thù và được xếp vào công việc “có thể được nghỉ hưu trước tuổi” nhưng cho đến thời điểm này, số người lao động xin về hưu trước tuổi là rất ít. Ngược lại, việc kéo dài độ tuổi về hưu lại là điều kiện để họ được nâng cao tay nghề và có thêm thời gian để cống hiến cho công việc. Bác sỹ Nguyễn Cảnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An - cho biết, lâu nay việc tuyển dụng lao động, nhất là bác sỹ vào bệnh viện chúng tôi rất khó khăn và nhiều năm liền bệnh viện đều rơi vào tình trạng thiếu bác sỹ. Do đó, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, vừa có ý nghĩa với người lao động và có ý nghĩa với bệnh viện. Với những người làm trong ngành y tế thì thời gian công tác càng kéo dài thì tuổi đời, kinh nghiệm càng nhiều...
Trước đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, quyết định tăng tuổi nghỉ hưu được đánh giá là phù hợp với thực trạng chung khi Việt Nam đang trong giai đoạn thời kỳ “dân số vàng” và chuẩn bị các tiền đề cho giai đoạn già hóa dân số. Thực tế cũng cho thấy, trong thời gian qua, rất nhiều lao động có trình độ tại nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh dù đã đến tuổi về hưu nhưng vẫn được các đơn vị tiếp tục ký hợp đồng để tiếp tục lao động, cống hiến. Trong đó, tập trung nhiều ở đội ngũ như giáo viên, bác sỹ, kỹ sư và những người làm công tác nghiên cứu…
Cần quan tâm đối tượng lao động đặc thù
Tại một số ngành nghề lao động được xem là đặc thù, quy định tăng tuổi nghỉ hưu cũng tác động không nhỏ đến đối tượng này. Cụ thể, tại Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, hiện có khá nhiều lao động tuy chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng họ đã có nguyện vọng nghỉ trước tuổi do sức khỏe không đảm bảo. Trong khi đó, để giám định lại sức khỏe thì theo quy định hiện nay người lao động phải cần đủ tuổi mới được giám định.
Công việc của công nhân vệ sinh môi trường là công việc đặc thù trong môi trường độc hại |
Hơn hai mươi năm làm công việc quét dọn vệ sinh đường phố, công việc mệt nhọc, thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại nên sức khoẻ của các đối tượng lao động này đều bị ảnh hưởng. “Nay, tuổi ngày một nhiều, để đảm đương công việc cũng rất khó khăn và hầu hết chúng tôi đều phải nghỉ trước tuổi…”, chị Dương Thị Hoa - nguyên là công nhân thuộc bộ phận thu gom rác đường phố có thâm niên 27 năm đóng BHXH nói.
Được biết, theo quy định, chị Hoa có thể được về hưu. Tuy nhiên, do chưa đến tuổi được nghỉ nên hiện nay chị Hoa đã chốt sổ BHXH và phải chờ đủ tuổi mới được đi giám định để nghỉ hưu theo chế độ.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An nói: “Đặc thù của công ty là lao động nặng nhọc và khi đủ thời gian đóng BHXH, người lao động đều mong muốn được về hưu. Nhưng với quy định mới như hiện nay thì rõ ràng thời gian chờ hưu của người lao động kéo dài. Do đó, chúng tôi mong liên đoàn lao động các cấp và cơ quan BHXH cần có tiếng nói để tạo điều kiện cho người lao động ở những ngành nghề đặc thù được sớm giải quyết chế độ và được về hưu trước tuổi…”.
Cùng quan điểm, ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An - cũng chia sẻ, so với các bậc học khác, giáo viên mầm non có những đặc thù nghề nghiệp riêng và họ cần nhiều tiêu chí ngoài chuyên môn thì phải có sức khỏe để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Do đó, theo tôi, giáo viên mầm non cũng cần phải được tạo điều kiện để được về hưu sớm theo nguyện vọng của từng cá nhân để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và cũng phù hợp với bối cảnh công việc trong thực tế, đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo…”.
Tại Nghệ An, ngay từ khi quy định mới về tăng độ tuổi lao động chính thức có hiệu lực, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Lao động. Theo đó, yêu cầu trong năm nay một số ngành như: BHXH, Liên đoàn Lao động, Sở Tư pháp, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và một số sở, ngành liên quan… cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Bộ luật Lao động. Đặc biệt, đẩy mạnh đối thoại về pháp luật lao động, thanh kiểm tra về việc thực hiện Bộ luật Lao động, trong đó có chính sách mới về tuổi nghỉ hưu, tiền lương để người lao động cập nhật và hiểu đầy đủ các chính sách của Nhà nước, kịp thời giải quyết các vướng mắc.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH công bố danh mục 1833 công việc ngành nghề được nghỉ hưu sớm. Trong đó, có khá nhiều công việc đặc thù thuộc các lĩnh vực khác nhau như: dự trữ quốc gia (5 nghề), cơ yếu (15 nghề), thương mại (46 nghề), y tế (66 nghề), văn hóa - thể thao (47 nghề), ngân hàng (16 nghề), hải quan (9 nghề), du lịch (8 nghề), giáo dục (4 nghề), địa chính (6 nghề)... Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì danh mục này vẫn chưa bổ sung đủ những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trước thực tế này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đề nghị Chính phủ bổ sung cho giáo viên mầm non, giáo viên thể chất và 12 ngành nghề trong quân đội vào danh mục những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu sớm. |