Thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng |
Ngày 24/12/2021, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020.
Nền tảng phát triển kinh tế - xã hội
Trước năm 2012, mặc dù công tác BHXH và BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội, song công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trước tình hình đó, ngày 22/11/2012 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT.
Theo đó, Nghị quyết 21-NQ/TW đặt mục tiêu phấn đấu tăng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong suốt giai đoạn 2012 - 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; các bộ ngành đã phối hợp thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết; hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục hoàn thiện, theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, chính sách BHXH, BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính trong các chính sách an sinh xã hội. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục tăng qua các năm. Số người tham gia BHYT vượt mục tiêu đề ra. Quyền lợi của người tham gia của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đảm bảo. Quỹ BHYT đang dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện, góp phần giảm mức chi trả của người dân trong chăm sóc sức khỏe. Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện.
Hội nghị đánh giá cao quá trình thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW trong việc đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế |
Cụ thể, đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHXH là 16,188.8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ là 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,064 triệu người. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,124 triệu người, tăng 10 lần so với năm 2012, đạt tỷ lệ bao phủ là 2,2% (vượt 1,2% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13,324 triệu người, tăng 5,05 triệu người so với năm 2012 (tăng 61,7%), đạt 27% lực lượng lao động.
Số người tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, vượt mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra. Tính đến hết năm 2020 đã có khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,97% dân số, bình quân mỗi năm tăng 48%, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác BHYT giai đoạn 2012 - 2020 theo Nghị quyết 21-NQ/TW.
Tiếp tục phát huy vai trò của chính sách
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: BHXH và BHYT giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội và tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Trong thời gian qua, cùng với chính sách phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, đặc biệt công tác BHXH, BHYT theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 21-NQ/TW.
Đánh giá cao những kết quả thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, song Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như: Diện bao phủ BHXH thấp, chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, các vùng trong cả nước, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng. Tỷ lệ tham gia BHYT chưa bền vững, chủ yếu do có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đồng bộ với các chính sách kinh tế- xã hội khác.
Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh Quỹ nhấn mạnh, BHXH đầu tư chưa đa dạng, chưa tận dụng khả năng sinh lời. Quỹ BHTN kết dư lớn thể hiện sự chưa hiệu quả trong quản lý, sử dụng Quỹ và chính sách BHTN chưa thực sự đi vào cuộc sống. Bội chi quỹ bảo hiểm y tế có xu hướng tăng. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế xảy ra ở nhiều địa phương, thuộc các thành phần kinh tế. Dịch vụ BHXH, BHYT chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các cấp ủy đảng cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với mọi đối tượng; gắn thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, cần phân công cụ thể cơ quan chủ trì có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, trong đó, đối với BHXH cần thực hiện theo đúng tinh thần, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH; đối với BHYT đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật có liên quan....
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế; nhân rộng điển hình, mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế nhằm thu hút nhiều lao động, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động phi chính thức, chưa có quan hệ lao động, chưa tham gia BHXH, coi đây là giải pháp quan trọng nhất hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương nhằm gia tăng độ bao phủ BHXH, BHYT. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2025: khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHXH, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số. Phấn đấu đến năm 2030: khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. |