Tuy nhiên, chính sự nỗ lực, sáng tạo, toàn ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã vượt qua các thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giúp hàng triệu người dân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Chính sách hỗ trợ người lao động được ngành BHXH triển khai khẩn trương, kịp thời, hiệu quả |
Điểm lại dấu ấn đạt được trong năm qua, BHXH Việt Nam cho biết, toàn ngành đã bám sát chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; đặc biệt đã phối hợp trình cấp có thẩm quyền ban hành và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đạt được nhiều mục tiêu đề ra; độ bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, trong đó người tham gia BHXH tự nguyện đạt vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, BHYT cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Quỹ BHXH bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô; hoạt động tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, đổi mới phương thức, cách thức thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Đặc biệt, BHXH Việt Nam là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai kịp thời, hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên Trục dữ liệu quốc gia, triển khai ứng dụng VssID- BHXH số. Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử của BHXH Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh thời gian qua.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Nguyễn Thế Mạnh nhận định, những kết quả đó có được từ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Là cơ quan được giao thực hiện các chính sách này, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt, sáng tạo trong việc triển khai, cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; kịp thời xây dựng kế hoạch, kịch bản điều hành chi tiết, linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thiên tai nhất là trong tình hình đại dịch Covid-19 hai năm qua. “Toàn ngành cũng đã phát huy tối đa nền tảng, sức mạnh nội tại về nguồn lực cán bộ, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thụ hưởng kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh”- ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay.
Đặc biệt, năm 2021, bên cạnh những công việc thường xuyên, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ “chưa có tiền lệ” đến người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19. Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ tư, với vai trò là cơ quan thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, trong năm 2021, BHXH Việt Nam đã tiếp tục chủ động, tích cực đề xuất, tham gia phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ngay sau khi các chính sách được ban hành, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ, với phương châm đưa chính sách đến với doanh nghiệp và NLĐ nhanh nhất, thuận tiện nhất. Kết quả trong thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, chỉ sau 7 ngày, toàn ngành đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 05 ngày còn 1 ngày làm việc; thành lập các Đoàn công tác để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Tính đến ngày 28/12/2021, toàn Ngành đã giải quyết cho 846 đơn vị với 160.218 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.113 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 3.012.864 NLĐ của 70.804 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách hỗ trợ.
Trong thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, trong vòng 5 ngày (đến 5/10/2021), toàn ngành đã hoàn thành việc gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào quỹ BHTN đến 363,6 nghìn đơn vị SDLĐ, với số tiền điều chỉnh giảm khoảng 7.594,6 tỷ đồng. Hiện đã có hơn 12,7 triệu người lao động được nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN với tổng số tiền khoảng 30,11 nghìn tỷ đồng. “Việc ngành BHXH Việt Nam triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch Covid-19, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân”- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Dự báo, dịch Covid-19 trong năm 2022 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, thách thức đặt ra đòi hỏi, yêu cầu ngành BHXH Việt Nam phải có kế hoạch thích ứng linh hoạt, phù hợp; tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống, đặc biệt là việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN trong tình hình mới, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia.
Theo kế hoạch đề ra, năm 2022, BHXH Việt Nam xác định, tập trung cao độ, nỗ lực cao nhất, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao; thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19. Thường xuyên rà soát, xây dựng, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hỗ trợ kịp thời, tốt nhất cho công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, toàn ngành này cũng sẽ tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với người yếu thế, người dân, NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thống nhất quan điểm chỉ đạo xuyên suốt "lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ". Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam để phục vụ doanh nghiệp, người dân. Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông chính sách, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp.