Tăng "đề kháng" cho trẻ em trước cạm bẫy trên mạng
Việt Nam là một trong những “cường quốc” về tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12-13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%. Trung bình, mỗi ngày trẻ em Việt Nam “tiêu tốn” từ 5 - 7 giờ để lướt mạng. Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, cạm bẫy nếu chúng ta không kiểm soát, đặc biệt với đối tượng là trẻ em, chưa biết cách chọn lọc thông tin, tự bảo vệ mình.
Trẻ em chỉ được an toàn trong môi trường bị ô nhiễm, nhiều “virus” khi có sức đề kháng, hệ miễn dịch đủ mạnh |
Qua thống kê của Bộ Công an, trong 2 năm 2021-2022, toàn quốc phát hiện hơn 3.500 vụ, với trên 4.000 đối tượng xâm hại trẻ em. Trong đó, có 75% số vụ xâm hại tình dục trẻ em; xảy ra 8.200 vụ vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự liên quan đến người dưới 18 tuổi.
6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã phát hiện 1.075 vụ xâm hại trẻ em, xâm hại 1.233 trẻ em, tăng 2,6% số vụ và tăng 13,3% số trẻ em bị xâm hại so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 917 vụ, xâm hại 1.041 trẻ em). Trong 9 tháng năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) tiếp nhận 238.500 cuộc gọi đến và đã tư vấn cho 15.991 trường hợp; hỗ trợ can thiệp, bảo vệ cho 845 trẻ em...
Như đã nói ở trên, internet, mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro đối với người dùng, đặc biệt là trẻ em. Những năm gần đây, tội phạm lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng. Thủ đoạn phổ biến là thông qua các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Telegram, Tiktok... kết bạn, làm quen, dụ dỗ, đưa các em nhỏ tham gia các loại hình dịch vụ nhạy cảm (quán bar, cà phê đèn mờ, karaoke trá hình...). Nguy hiểm hơn, thông qua tin nhắn, nhiều đối tượng đã gạ gẫm, hứa hẹn cho tiền, quà sau đó dụ dỗ “chat sex”, hoặc gửi hình ảnh nhạy cảm rồi dùng chính những hình ảnh đó để đe dọa, ép buộc các em phải quan hệ, hoặc trả tiền nếu không sẽ bị tung lên mạng.
Thời gian qua, cơ quan bảo vệ pháp luật đã khám phá, phát hiện hàng trăm vụ án, vụ việc từ tố cáo của các em hoặc người nhà, nhưng trong thực tế đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn rất nhiều nạn nhân phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”; thậm chí có nhiều em rơi vào trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát.
Mới đây nhất, ngày 12/10, Công an quận 8, TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thanh Sang (43 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện một số người dùng mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân "chat sex" nhằm thu thập ảnh nóng, "clip sex", clip khỏa thân, sau đó khống chế, cưỡng đoạt tài sản. Tại cơ quan công an, Sang khai thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) làm quen nhiều trẻ em, sau đó dụ dỗ "chat sex", chia sẻ hình ảnh, clip nhạy cảm, khơi gợi tình dục để thỏa mãn nhu cầu sinh lý… Sang thu thập hình ảnh và clip, sau đó đe dọa, ép buộc nạn nhân phải làm theo các yêu cầu như tiếp tục gửi hình ảnh, clip nhạy cảm và tống tiền nạn nhân. Nếu nạn nhân không thực hiện, Sang sẽ đăng hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng xã hội.
Để xảy ra tình trạng này là do chúng ta còn thiếu hành lang pháp lý, chế tài quản lý internet và các ứng dụng mạng xã hội xuyên biên giới. Giữa “thế giới phẳng”, trong khi các hệ sinh thái sản phẩm, ứng dụng công nghệ số Việt Nam cho trẻ học tập, kết nối, giao lưu, giải trí, sáng tạo, lành mạnh còn thiếu và chưa đầy đủ, thì các cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp kỹ thuật hoàn hảo nào có thể dựng “bức tường lửa” để ngăn chặn những thông tin, hình ảnh xấu độc.
Tình trạng trẻ em bị lừa gạt, xâm hại mới chỉ là những thống kê, ghi nhận nhưng đó thực sự là những con số đáng báo động với một quốc gia đầu tiên ở châu Á, quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em như Việt Nam. Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em là trách nhiệm của cả xã hội và hệ thống chính trị nhưng nhà trường và các bậc phụ huynh chính là hai “tấm khiên” quan trọng nhất có thể dựng “bức tường lửa” giúp con em mình tránh xa những kẻ biến thái, hành vi vấy bẩn ẩn náu trên không gian mạng.
Căn bệnh thành tích trầm kha từ bao năm nay nhưng không hẳn chỉ lỗi của ngành Giáo dục mà có một phần nguyên nhân từ chính phụ huynh. Các bậc cha mẹ mải mê, kỳ vọng chạy theo “bảng vàng” thành tích, ép con em nhồi nhét nhiều kiến thức nhưng lại chưa hoặc ít được giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh tội phạm. Các em chỉ được an toàn trong môi trường bị ô nhiễm, nhiều “virus” khi có sức đề kháng, hệ miễn dịch đủ mạnh. Cái đó là trách nhiệm của người lớn!.