Ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp chung tay thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ với các giải pháp tổng thể nhằm đối phó hiệu quả với dịch nCoV, đồng thời đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định an ninh, chính trị xã hội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, người dân và doanh nghiệp không được chủ quan, lơ là, song cũng không hoang mang, dao động |
Theo đó, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng thể chế, triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về công tác phòng chống dịch nCoV, trong đó có đánh giá tác động của dịch nCoV gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trước Chính phủ, dự kiến nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quí I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trường hợp dịch Corona kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quí II là 5,81% thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.
Về công tác phòng chống dịch nCoV, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn với nhiều biện pháp được áp dụng mạnh hơn cả đợt dịch SARS vào năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị.
“Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân” – Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Dũng nhận định, chúng ta đã hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này là rất phức tạp và được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội.
Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là, song cũng không hoang mang, dao động.
Lưu ý trong công tác chống dịch có thể phát sinh những vấn đề liên quan đến đối ngoại, vì vậy cần phải thông tin kịp thời, xử lý phù hợp. Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam để tạo sự đồng thuận, chia sẻ và phối hợp phòng, chống dịch với tinh thần bảo đảm tối đa cho công tác phòng chống dịch bệnh của nước và hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với các đối tác.
Thứ hai, về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nhìn chung trong tháng 1/2020 vẫn tiếp tục ổn định dù có nhiều chỉ số giảm. Trước thực tiễn đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra với tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.
“Mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và nhấn mạnh thêm, Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm, trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá cả thị trường nhằm có những giải pháp phù hợp hạn chế sự tăng bất thường của giá cả, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá và đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ…
Đặc biệt, với tình hình phức tạp như hiện nay, Chính phủ yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường, không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ.
Tăng cường tiêu thụ trong nước, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế
Tại cuộc họp báo, trả lời các câu hỏi của phóng viên về các giải pháp của Bộ Công Thương trong việc đảm bảo ổn định sản xuất, ổn định thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá nói chung, hàng nông, lâm thuỷ sản nói riêng trong điều kiện dịch nCoV vẫn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, dịch nCoV có tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế toàn cầu chứ không riêng Trung Quốc hay Việt Nam, trong đó, các lĩnh vực y tế, giao thông, du lịch, nhất là thương mại, ngoại thương chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Thứ trướng Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ổn định sản xuất, ổn định thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá |
“Dịch nCoV tác động ở rất nhiều mặt, cả trực tiếp, giám tiếp đến hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại biên giới và thương mại nội địa” – Thứ trưởng nói và cho biết, trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có Chỉ thị của Bộ trưởng về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với bệnh dịch với việc giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các đơn vị chức năng và sở Công Thương các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó hữu hiệu.
Với các mặt hàng nông sản, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ, hiện chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi có những biến động ở thị trường này thì ngay lập tức tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, biện pháp trước mắt và lâu dài được đưa ra là, cần thực hiện tái cơ cấu sản xuất và thực hiện sản xuất theo tín hiệu của thị trường, liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, các hệ thống siêu thị kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản đang gặp khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc” – Thứ trưởng Hải nói và cho biết thêm, Bộ cũng đã yêu cầu các siêu thị, các doanh nghiệp kinh doanh đảm bảo nguồn cung các mặt hàng để đảm bảo cung ứng cho nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.
Trong khi đó, để hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá nói chung, hàng nông sản nói riêng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài tăng cường kết nối với các doanh nghiệp sở tại và Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước nhằm mở rộng các kênh tiêu thụ hàng hoá của Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.
“Ngay trong ngày hôm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo theo hướng cho phép hoạt động xuất, nhập khẩu hoá qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông báo thêm.