Tân Lạc (Hòa Bình): Đưa bưởi đỏ, bưởi da xanh thành thương hiệu
Bưởi da xanh mang lại thu nhập cao cho bà con
- Xóm Tân Hương có gần 100 hộ, hầu hết đều trồng bưởi, nhà ít trồng 20 cây, nhà nhiều trồng hàng trăm cây. Những gia đình có 100 cây trở lên đều có cuộc sống khá giả. Tùy theo chất lượng và mẫu mã, giá bán bưởi đỏ từ 17 - 25.000 đồng/quả, bưởi da xanh từ 40 - 45.000 đồng/kg. Tính toán hiệu quả kinh tế, tùy theo mức độ đầu tư, thâm canh có thể cho thu bình quân 4 triệu đồng/cây nên nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Theo tính toán của Phòng NN & PTNT huyện Tân Lạc, đối với bưởi đỏ có thể trồng từ 300 - 350 cây/héc-ta, sau thời gian kiến thiết cơ bản từ 3 - 4 năm, mỗi cây có thể cho thu hoạch 100 - 150 quả thương phẩm. Tính theo giá thị trường rẻ cũng từ 10.000 - 15.000 đồng/quả, giá trị thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/héc-ta/năm. Với bưởi da xanh đòi hỏi quy trình kỹ thuật chăm sóc cao hơn bưởi đỏ nhưng đem lại hiệu quả khá hơn, mật độ từ 250 - 300 cây/héc-ta, khi bước vào đầu thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch 60 - 80 quả với giá bán giao động từ 30.000 - 40.000 đồng quả, giá trị thu nhập trên 400 triệu đồng/héc-ta. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù, huyện Tân Lạc triển khai đề án phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh giai đoạn 2013 - 2020, đặt mục tiêu đến năm 2015 diện tích bưởi các loại đạt 200 héc-ta.
Diện tích bưởi đỏ và da xanh của Tân Lạc tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới vì bà con đã tận dụng và khai thác các khu vực có đồi thấp để trồng bưởi. Nhiều người liên kết với nông dân các địa phương khác để mở rộng diện tích bưởi đỏ, bưởi da xanh. Hiện, UBND huyện đang đề xuất và thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình sản xuất an toàn để nâng cao chất lượng bưởi hàng hóa, về lâu dài, tính toán xây dựng thương hiệu giống bưởi địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Duy Anh