Thứ hai 23/12/2024 01:02

Tái cơ cấu nền kinh tế 2021-2025: Nâng cao chất lượng phát triển doanh nghiệp

Số lượng, chất lượng, cấu trúc, năng suất… trong bức tranh doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần có các giải pháp và chính sách để cải thiện cả về số lượng và chất lượng phát triển DN tại Việt Nam.

Tham luận tại Diễn đàn “Tái cấu trúc kinh tế 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với DN” mới diễn ra, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết: Cách tiếp cận tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã có một số điểm khác giai đoạn trước, đó là tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường có sức chống chịu, thích ứng cao với các cú sốc bên ngoài; ưu tiên phát triển một số ngành lĩnh vực trọng tâm để tạo ra sự lan tỏa; gắn kết và liên kết kinh tế vùng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi nguồn lực nội tại là chiến lược, lâu dài, quyết định nguồn lực bên ngoài là quan trọng; phát huy giá trị văn hóa dân tộc, ý chí của con người Việt Nam.

Mục tiêu đặt ra là phải đạt được sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực, có sự chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các diễn biến bất thường, phức tạp, khó khăn nội tại cũng như tác động từ bên ngoài. Hình thành rõ các cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực, giữa các ngành và lĩnh vực, có sản phẩm quốc gia dựa trên công nghệ cao, công nghệ hiện đại…

"Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát triển lực lượng DN, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã..., bởi doanh nghiệp được xác định là xương sống của nền kinh tế. Con đường phát triển lâu dài hướng đến là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon, nếu các DN không có các chiến lược cụ thể theo đuổi phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải… sẽ rất khó phát triển trong tương lai" - bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế

Ở góc độ chuyên gia nhìn nhận về tái cơ cấu nền kinh tế liên quan đến DN, ông Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, cho biết: Tính đến năm 2020, theo cơ sở dữ liệu về đăng ký DN, thì số DN đã đăng ký thành lập trong 30 năm vừa qua (từ 1991-2021) vào khoảng 1,4 triệu DN. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2021, cả nước mới có khoảng 811.000 DN tồn tại và đang hoạt động. Con số này cho thấy, khoảng trên 40% các DN sau thành lập đã bị “khai tử” và rời khỏi thị trường. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2021-2025, bởi phát triển DN mới về số lượng đang cần tăng (mục tiêu đặt ra rất tham vọng là có khoảng 1,5 triệu DN), nhưng chất lượng phát triển DN còn quan trọng hơn.

Cơ cấu phát triển DN tại Việt Nam hiện nay phân bổ theo các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế còn nhiều bất cập. Phần lớn các DN hoạt động và số DN thành lập mới hàng năm là nằm ở khu vực dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, sửa chữa nhỏ…) có giá trị gia tăng thấp. Trong khi Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 2 ngàn DN trong lĩnh vực nông nghiệp thành lập mới. Điều này đòi hỏi cần phải tạo ra những không gian mới và khuyến khích mạnh mẽ khởi nghiệp và phát triển DN trong lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác có tỷ lệ DN hoạt động vẫn ít còn chưa tương xứng trong nền kinh tế.

DN đã có những đóng góp lớn cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế ở góc độ thị trường lao động. Nếu không có 811.000 DN đang hoạt động hiện nay, thì không thể có 15 triệu lao động đang làm việc trong khu vực chính thức, không thể dịch chuyển được lao động để nâng cao thu nhập, giải quyết các vấn đề việc làm chính thức, an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội… phù hợp. Tuy nhiên, năng suất lao động trong các DN Việt Nam hiện nay còn rất thấp, chất lượng việc làm còn chưa cao vì tỷ lệ lao động ở khu vực chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội vẫn còn khoảng 14%, ở khu vực hộ kinh doanh cá thể thì đa số chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tái cơ cấu nền kinh tế, cần phải nhấn mạnh đến vai trò đóng góp của cộng đồng DN trong việc tái cơ cấu thị trường lao động, để có các giải pháp và cơ chế, chính sách hỗ trợ cho cả DN và người lao động phát triển.

Trong tổng số 811.000 DN Việt Nam đang hoạt động, chỉ có khoảng 17.000 DN lớn (theo tiêu chí của Việt Nam), 21.000 DN có qui mô vừa (vẫn thiếu rất nhiều DN cỡ vừa so với yêu cầu phát triển), phần lớn DN Việt Nam là qui mô nhỏ và siêu nhỏ. Số liệu của Tổng cục Thống kê (2019), cho thấy, DN nhỏ và siêu nhỏ có tỷ lệ và thua lỗ lớn hơn khu vực DN vừa và lớn. Cần tính đến việc tạo ra không gian, môi trường thuận lợi, hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ hoạt động tạo ra lợi nhuận.

Nội tại về năng lực của các DN Việt Nam hiện nay cũng rất đáng lưu ý. Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng trên 50% DN Việt Nam hoạt động bị thua lỗ hoặc chỉ hòa vốn, chỉ có 43% hoạt động có lãi. Cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN phát triển tươi sáng hơn về năng lực tài chính và khả năng kinh doanh trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế 2021-2025.

Đối với khu vực DN Nhà nước (DNNN), trọng tâm tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025, theo bà Trần Thị Hồng Minh, vẫn là đẩy mạnh cải cách. Hiện các DNNN vẫn nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế với khoảng 25% tổng vốn kinh doanh, 23% tổng tài sản cố định và tài sản đầu tư tài chính dài hạn, nhưng đóng góp về doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Báo cáo của Chính phủ năm 2020 về sử dụng vốn Nhà nước… cho thấy, trong khi tổng tài sản DNNN tăng, vốn chủ sở hữu của DNNN tăng, nhưng tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của khu vực DNNN giảm mạnh so với khu vực tư nhân…

Còn ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN trung ương cho rằng, cải cách DNNN là cần thực hiện các giải pháp phù hợp như đổi mới mô hình quản trị, có công nghệ, cổ phần hóa, giải thể, phá sản… để DNNN hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời cũng là tạo cơ hội cho khu vực DN khác tiếp cận được các cơ hội và nguồn lực từ việc sắp xếp các DNNN, chứ không phải sắp xếp một cách mang tính cơ học.

Ngọc Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Khu thương mại tự do là mô hình hiệu quả thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển logistics

Khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề về khu thương mại tự do

Nhiều doanh nghiệp Bulgaria muốn đầu tư vào các ngành công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Đại biểu bàn phân cấp, phân quyền

TP. Hồ Chí Minh: Hơn 400 đại biểu tham gia Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2024

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài dự Diễn đàn Khu thương mại tự do- Động lực mới phát triển ngành logistics Đà Nẵng

Diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không: Cơ hội quảng bá và thu hút đầu tư thương mại du lịch

Xây dựng Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Báo chí góp phần quan trọng kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: GEFE 2024 - cơ hội hướng đến phát triển xanh và bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại chính sách với khách mời trong nước và quốc tế

Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh

Sắp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024):Giá trị, ý nghĩa và tầm vóc thời đại

Sửa quy định về miễn kiểm tra chất lượng hàng hoá, không để doanh nghiệp gian lận

Chứng minh người nộp đơn 'biết' hoặc 'có cơ sở để biết' trong các vụ việc đăng ký nhãn hiệu

Cơ sở pháp lý và cách tiếp cận để giành lại nhãn hiệu bị đăng ký với dụng ý xấu

Bày tỏ tình cảm tiếc thương Tổng Bí thư là đáng quý nhưng cần tỉnh táo!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần: Sự mất mát để lại niềm tin gắn kết

Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5 có gì mới và đặc biệt?