Thứ tư 27/11/2024 22:38

Tác hại khôn lường từ mỹ phẩm làm tan mỡ nhanh

Thời gian gần đây, tại TP Hồ Chí Minh, một số người đã phải nhập viện cấp cứu vì trụy mạch, tụt huyết áp kèm bội nhiễm da do bôi kem tan mỡ. "Tiêu mỡ thần tốc" hay "Thoa kem vào nơi nào, mỡ sẽ tiêu tan nơi ấy" là những dòng quảng cáo của nhiều loại mỹ phẩm được cho giúp giảm mỡ siêu tốc hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia sự thật không có loại kem nào làm được điều hoang đường như vậy.

Những “cạm bẫy ngọt ngào”

Đến thẩm mỹ viện T.T. trên đường 3-2, quận 11, TP Hồ Chí Minh để dùng liệu pháp giảm cân, chị Nguyễn Thị T., 40 tuổi được tư vấn dùng thuốc uống giảm cân kết hợp với kem thoa "tan mỡ siêu tốc" nhập về từ Hồng Kông.

Nghe nhân viên quảng cáo liệu pháp này giảm được 5kg trong một tuần, chị T. bỏ ra 1,3 triệu đồng mua kem tan mỡ và thêm 2 triệu đồng mua thuốc uống giảm cân. Sau một tuần dùng kem và thuốc uống, chị T. giảm được 4kg nhưng phải vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cấp cứu vì trụy mạch, tụt huyếp áp kèm bội nhiễm da do bôi kem tan mỡ.

"Lúc đầu họ quảng cáo kem này có tác dụng phân giải mỡ tích tụ thành năng lượng, ức chế việc hình thành các tế bào mỡ mới nên tôi tin tưởng dùng nhưng không ngờ xảy ra hậu quả này", chị T. cho hay.

Một trường hợp khác, do thấy trên mạng quảng cáo nhiều loại kem đánh tan mỡ siêu tốc và thoa vào đâu mỡ tan ở đấy nên chị Trần Thị L., 45 tuổi, ở Bình Dương cũng gọi điện đặt hàng. Nhân viên giao hàng là loại kem giảm mỡ siêu tốc và giới thiệu hàng xách tay từ Hàn Quốc mỗi hộp 2 triệu đồng, thoa 2 hộp sẽ giảm được 5 - 6kg.

Chị L. thực hiện trong vòng 2 tuần đã giảm được 3kg. Nhưng hai tuần không dùng kem nữa, chị L. bị mập, mỡ lại quay trở lại. Khi chị hỏi nhân viên bán hàng về "sự cố" này thì được tư vấn phải dùng 5 hộp mới hiệu quả! Trót đâm lao phải theo lao, chị L. bấm bụng mua thêm mấy hộp thuốc, nhưng cuối cùng đành nhận “trái đắng”.

Các loại kem bôi tan mỡ được quảng cáo tan mỡ thần tốc nhan nhản trên mạng.

Một tuần trước, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Phan Thị Khiết (43 tuổi, ở quận 7) trong tình trạng phần da bụng và đùi rộp lên, nổi đầy mẩn đỏ, ngứa. Điều tra bệnh sử cho thấy, chị Khiết đã dùng một loại kem thoa giảm mỡ mua trên mạng không nguồn gốc để giúp "đánh tan mỡ" và giảm vòng eo 6cm trong một tuần.

Tuy nhiên, theo chị Khiết sau khi thoa ở vùng bụng theo như hướng dẫn của nhân viên tư vấn thì phần da nơi thoa kem rất nóng, rát, sau đó làm da phồng lên kèm theo ngứa. Các bác sĩ cho biết, chị Khiết bị dị ứng bởi loại kem tan mỡ có chứa các thành phần kích ứng mạnh.

Đừng để tiền mất, tật mang

Hàng trăm loại kem tan mỡ được quảng cáo giúp giảm cân, lấy lại vóc dáng đang bủa vây chị em. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đến thời điểm này việc kem bôi tan mỡ có tác dụng hay không vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức nào công bố.

Theo TS Nguyễn Hữu Đức, Bộ môn Dược - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh thì đến nay không có loại mỹ phẩm bôi ngoài da nào có thể làm tan được lớp mỡ tích tụ sâu dưới da.

"Thực chất của việc giảm tới 6 cm vòng eo là do việc thoa kem và cuốn nóng làm mất nước tại chỗ và điều này chỉ làm đánh lừa cảm giác của người dùng. Ngay sau khi sử dụng dịch vụ, người dùng cảm thấy mình gọn hơn nhưng ngay sau đó, cơ thể được bù đủ nước sẽ trở lại trạng thái ban đầu"- TS Đức cho biết.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, các chất có trong kem như ớt, gừng, thảo dược tự nhiên... không thể thấm xuống các lớp mỡ sâu được nên việc quảng cáo sẽ làm tan tảng mỡ ở bụng, hông, đùi mỏng đi sau khi bôi kem là chuyện hoang đường.

"Kem tan mỡ thực ra có tác dụng làm săn da, khiến vùng da được bôi có vẻ săn chắc, gọn gàng hơn"- một bác sĩ khẳng định.

Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng - Trưởng Khoa điều trị A - Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho rằng một số phụ nữ giảm cân bằng dùng kem tan mỡ đã phải vào viện vì trong kem tan mỡ có chất kích ứng mạnh như ớt, gừng lại bôi rộng trên vùng da mỏng nên rất dễ bị kích ứng. Bệnh nhân bôi kem dị ứng nhẹ thường có mẩn đỏ tại chỗ, nhiều trường hợp nặng thì bị phồng và rộp da, chảy nước và sau đó là nổi mụn gây viêm da.

Theo Báo CAND

Tin cùng chuyên mục

Giám sát chương trình triệu hồi gần 2.700 xe Honda CR-V e:HEV RS để thay thế bơm nhiên liệu cao áp

Bột ngọt Meizan từng bước khẳng định vị thế trên thị trường

Người tiêu dùng Việt sẽ tăng chi tiêu trong năm 2025?

Temu đối mặt với cuộc điều tra thứ hai của EU vì vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng

Cục An toàn thông tin: Người dân thận trọng xác minh website thương mại điện tử trước khi thanh toán

Xuất hiện tình trạng lừa đảo, mạo danh sàn thương mại điện tử Amazon

Honda Việt Nam triệu hồi hơn 11.000 xe CR-V, CIVIC, CIVIC Type-R vì lỗi hệ thống lái

Home Credit mở rộng Home PayLater trên siêu ứng dụng BE, người dùng có thêm phương thức “Mua trước, trả sau”

WinCommerce đã có lãi ròng sau thuế dương trong quý 3 năm 2024

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bán hàng đa cấp

Tăng cường điều tra và xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Thu hồi 5 sản phẩm bồn chứa nước công nghiệp Bridgestone

Bộ Công Thương phát động cuộc thi ‘Sinh viên thông thái - Hiểu pháp luật bán hàng đa cấp’

Audi Việt Nam triệu hồi 6 xe điện Audi e-tron GT và RS e-tron GT lỗi pin

Lỗi cảm biến tốc độ, Honda Việt Nam triệu hồi 866 xe máy Honda CB350’H’ness

Tổng đài 1800.6838 hỗ trợ, xử lý thành công gần 70% phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng

Chậm chuyến, huỷ chuyến, chậm hoàn tiền: Hàng không Việt Nam dần mất uy tín, lòng tin với du khách nước ngoài

Công nghệ - 'chìa khóa' bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Bắc Kạn đa dạng các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng

Khi “ông lớn” ngành tiêu dùng bán lẻ thu hút vốn ngoại