Đó là thông tin tại Hội nghị Nhân sự & Công nghệ Nhân sự - TalentX 2024 với chủ đề “Nhân sự trong kỷ nguyên số: Thích ứng, Đổi mới và Phát triển” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa tổ chức.
Việt Nam đứng đầu trong các nước có nhu cầu tuyển dụng cao
Hội nghị có sự tham gia của 600 lượt đại biểu tham dự, bao gồm các cán bộ quản lý phòng ban nhân sự (HRM, HRD), lãnh đạo cấp cao của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia công nghệ thông tin, cá nhân và tổ chức trong nước và quốc tế.
Hội nghị Nhân sự & Công nghệ Nhân sự - TalentX 2024 |
Hội nghị Nhân sự & Công nghệ Nhân sự - TalentX là sự kiện thường niên do VINASA tổ chức với mục đích cập nhật thông tin, xu hướng mới trong việc quản trị và phát triển nguồn nhân lực, ảnh hưởng của các xu hướng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo với công việc, cách thức tuyển dụng nhân lực phù hợp, quản lý, quản trị nguồn nhân lực hiệu quả hơn với các giải pháp công nghệ (HRTech)...
Trong năm thứ hai được tổ chức, Hội nghị gồm 4 Hội thảo với các chủ đề mang xu thế thời đại: Chiến lược nhân sự trong kỷ nguyên số; Tuyển dụng và giữ chân nhân tài - Xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc; HR Tech - Hướng đi Chiến lược mở lối doanh nghiệp; Đào tạo nhân tài và văn hoá học tập suốt đời.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến quý II/2024, Việt Nam có 52,5 triệu người có độ tuổi từ 15 trở lên, trong đó 51,4 triệu người có việc làm. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong các nước có nhu cầu tuyển dụng cao trong nửa đầu năm 2024. Trong đó, có tới 71,42% doanh nghiệp tìm kiếm nhân sự có kinh nghiệm, 19,2% là nhu cầu tuyển các cấp quản lý; nhu cầu tuyển dụng nhân sự chưa có kinh nghiệm chỉ chiếm 5,84%.
Theo thông tin từ của TopJob, 70% các công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự có kỹ năng phù hợp. Đến năm 2025, Việt Nam dự kiến sẽ cần 5 triệu lao động có kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các ngành nghề.
"Hãy biến tất cả ứng dụng AI thành con sen của mình!”
Sự phát triển mạnh mẽ của AI và các ứng dụng AI tác động rõ nét đến công việc, quy trình, đòi hỏi nguồn nhân lực cần có các kỹ năng khác biệt so với trước đây.
Vấn đề nhân sự trong thời đại số đang được các doanh nghiệp tập trung hơn bao giờ hết. Trong đó, thu hút và giữ chân nhân tài là bài toán nan giải mà hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường lao động.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT (Ảnh: QN) |
Thế hệ nhân lực trẻ ngày nay có những kỳ vọng khác biệt về môi trường làm việc so với các thế hệ trước. Theo một khảo sát của Deloitte, 77% Gen Z cho biết văn hóa công ty là rất quan trọng khi họ lựa chọn công việc. Họ muốn làm việc cho các doanh nghiệp có giá trị đạo đức và xã hội phù hợp với giá trị cá nhân của họ.
Khảo sát của Glassdoor cũng chỉ ra rằng ứng viên GenZ thừa nhận rằng sự phù hợp văn hóa là yếu tố hàng đầu khi họ lựa chọn nơi làm việc. Việc tuyển, sử dụng, giữ chân nhân tài GenZ là thách thức với các doanh nghiệp và là chìa khóa thành công trong kỷ nguyên số.
Trong tuyển dụng, thương hiệu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nhân tài. Báo cáo của LinkedIn 2023 đã chỉ ra rằng, 72% lãnh đạo tuyển dụng toàn cầu đồng ý rằng thương hiệu nhà tuyển dụng có tác động đáng kể đến việc tuyển dụng, đồng thời doanh nghiệp đầu tư vào thương hiệu nhà tuyển dụng có thể giảm 43% chi phí tuyển dụng và giảm 28% tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên.
Bối cảnh hiện nay đòi hỏi chiến lược Thương hiệu Nhà tuyển dụng cần đáp ứng hai yếu tố then chốt: tính thực tế và hiệu quả. Dù doanh nghiệp tại Việt Nam có quan tâm đáng kể đến Thương hiệu Nhà tuyển dụng, hiện trạng nhìn chung vẫn còn "đang ở giai đoạn ban đầu".
Trong thời đại công nghệ 4.0, AI, đặc biệt là GenAI đã và đang làm thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả lĩnh vực tuyển dụng. Sự phát triển mạnh mẽ của AI và các ứng dụng AI tác động rõ nét đến công việc, quy trình, đòi hỏi nguồn nhân lực cần có các kỹ năng khác biệt so với trước đây.
Các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ phục vụ cho mọi mặt của cuộc sống, công việc đều được tích hợp và ứng dụng AI khiến cho nhu cầu nguồn nhân lực, chuyên gia cấp cao về AI đang gia tăng mạnh mẽ.
Theo báo cáo của KPMG, người sử dụng lao động tại Mỹ cho rằng 23% công việc sẽ bị thay đổi, 50% các công việc mới sẽ được tạo ra và 25% công việc sẽ bị mất đi trong vòng 5 năm tới.
Báo cáo thường niên về Chỉ số xu hướng công việc năm 2024 từ Microsoft và Linkedln cho biết, 71% Lãnh đạo sẽ tuyển dụng ứng viên ít kinh nghiệm nhưng có kỹ năng AI hơn là ứng viên nhiều kinh nghiệm nhưng không có kỹ năng này. Đặc biệt, 66% lãnh đạo sẽ không tuyển dụng người không có kỹ năng AI.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho hay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gần 40% việc làm trên toàn thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của AI.
Tuy nhiên, "AI không thay thế con người. Chính những người biết sử dụng AI sẽ thay thế nhóm còn lại. Hãy biến tất cả ứng dụng AI thành con sen của mình!” - ông Hoàng Nam Tiến nói, đồng thời cho rằng, những người “mù chữ” ngày hôm nay là những người không chịu học, không hiểu về công nghệ, không sử dụng được AI.
Với bước tiến vượt bậc của công nghệ hiện đại, đến năm 2030, lên đến 375 triệu lao động trên toàn cầu có thể cần chuyển đổi hạng mục nghề nghiệp; 85% các công việc sẽ tồn tại vào năm 2030 chưa được phát minh.
Theo đó, công nghệ nhân sự (HRTech) đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu đánh giá cao tầm quan trọng của việc quản trị nhân sự thông qua các hoạt động đầu tư ngày càng nhiều vào các giải pháp công nghệ. Nếu không nhanh chóng ứng dụng HRTech vào quản trị nhân sự, doanh nghiệp có thể gặp phải nhiều thách thức trong tuyển dụng và quản lý nguồn nhân sự.
Báo cáo nghiên cứu của trang LinkedIn chỉ ra rằng, 66% quản lý nhân sự, nhà tuyển dụng đã đánh giá tích cực về hiệu quả của HRTech ứng dụng AI. Theo một báo cáo của Deloitte về “Xu hướng nguồn nhân lực” cũng cho thấy, có tới 71% công ty coi việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý nhân sự là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển của họ.