Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp Sửa đổi Luật việc làm: Những ai không được hưởng trợ cấp thất nghiệp? Hà Nội: Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 11/2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 955.000 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2022, tương ứng gần 910.000 người.
Người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng song tình trạng lao động nghỉ giãn việc, mất việc nửa cuối năm đang giảm nhiệt. quý 3, cả nước ghi nhận 118.400 lao động mất việc, giảm trên 99.000 người so với quý 2. Số này tập trung ở hai tỉnh vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương 33.600 người và TP. Hồ Chí Minh 34.600 người.
Gần 1 triệu người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 11 tháng |
Số lao động nghỉ giãn việc là 54.000, giảm 187.000 người so với quý 2. 66% lao động chịu ảnh hưởng làm việc trong doanh nghiệp FDI; 32% thuộc ngành da giày, 31% ngành dệt may. Số cuộc tranh chấp lao động, đình công giảm 75% so với cùng kỳ, còn 22 cuộc và không có biến động lớn về tính chất vụ việc.
Theo Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội, thị trường lao động năm 2023 tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định; tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023; các chỉ số về lực lượng lao động, tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định.
Bên cạnh đó, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn.
Năm 2023, ngành Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội đã đưa hơn 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Bình Dương, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng cắt giảm ghi nhận số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tới cuối tháng 11 là 992.000 người, tăng hơn 8.000 so với hồi tháng 9. Đây là tín hiệu cho thấy việc cắt giảm đã chững lại, thị trường lao động có xu hướng phục hồi.
Song theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương, doanh nghiệp sau khi phục hồi đơn hàng lại gặp khó trong tuyển dụng lao động có tay nghề, kinh nghiệm. Một phần do những công nhân làm việc lâu năm bị giãn việc, giảm thu nhập đã về quê. Nhiều người chưa sẵn sàng quay lại thành phố dịp cận Tết do e ngại không giữ được việc lâu.
Để kết nối cung cầu, Bình Dương tăng phiên giao dịch việc làm trực tiếp lẫn trực tuyến, thu thập thông tin việc làm trống của doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để chuyển đến người lao động; đồng thời tổ chức phỏng vấn online hàng ngày, hỗ trợ người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tiếp cận việc làm mới.
TP.Hồ Chí Minh năm nay cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp lớn phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Đơn cử như Pouyuen, công ty đông lao động nhất thành phố, đã cắt giảm ba đợt với hơn 9.500 công nhân. Đầu tháng 12, công đoàn doanh nghiệp cho biết công ty đang có đơn hàng kéo dài tới tháng 6/2024 và không có kế hoạch cắt giảm thêm lao động.
Chính quyền TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở ngành chi trả trợ cấp thất nghiệp đầy đủ, hỗ trợ lao động sớm tìm việc làm mới, qua đó hạn chế ngừng việc tập thể. Lãnh đạo UBND TP. Hồ CHí Minh cho biết gặp nhiều khó khăn song thành phố vẫn tạo được trên 141.000 việc làm mới, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%.