Sở Công Thương Hà Giang “Về đích” nhiều chỉ tiêu sản xuất công nghiệp và thương mại
Sản xuất công nghiệp vượt chỉ tiêu đề ra
Thống kê của Sở Công Thương Hà Giang cho thấy, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước cả năm 2022 ước đạt 16,8%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra 6,3%.
Kết quả đạt được là nhờ ngay từ đầu năm, Sở Công Thương Hà Giang đã triển khai kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp công nghiệp, nhằm chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghĩa vụ với nhà nước; Phối hợp tham mưu các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp theo quy hoạch; Phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND các huyện thành phố rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn, chế biến hàng nông lâm sản. Cùng với đó là khả năng phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp .
Sản xuất dăm ván gỗ tại Hà Giang |
Song song với đó, Sở đã triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Hà Giang về phục hồi sản xuất đối với các khu vực sản xuất công nghiệp của tỉnh nhằm chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản, thuỷ điện. Kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghĩa vụ với nhà nước; Phối hợp tham mưu các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Tín hiệu vui trong sản xuất công nghiệp Hà Giang là thời gian qua, ngành công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định trong đó nhà máy chế biến feromangan Bình Vàng đạt 100% công suất thiết kế; các dự án Mỏ sắt Sàng Thần, Lũng Rầy, Nam Lương, mỏ chì kẽm Tà Pan, mỏ thiếc vonfram Hố Quáng Phìn, mỏ antimon Mậu Duệ duy trì hoạt động ổn định đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng trong toàn ngành năm.
Ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản được phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, được định hướng đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, có đầu tư về máy móc hỗ trợ sản xuất nên nhiều sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao. Họat động CN-TTCN tiếp tục được duy trì hoạt động để đảm bảo tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Các nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện thương mại trên địa bàn tỉnh cơ bản vận hành ổn định, đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống điện của tỉnh và Quốc gia. Các công trình dự kiến hoàn thành xây dựng đi vào vận hành phát điện trong năm 2022, qua công tác kiểm tra, thường xuyên đôn đốc các Chủ đầu tư đã và đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự kiến đưa các nhà máy vào vận hành. Dự kiến hết năm có 6 dự án thuỷ điện hoàn thành đi vào hoạt đông, bao gồm: thuỷ điện Nậm Ngần 2, Sông Nhiệm 3, Suối Chùng, Quảng Nguyên, Nậm Là, Mận Thắng đảo bảo đúng theo kế hoạch đã đề ra.
Thương mại nội địa duy trì tăng trưởng
Bên cạnh sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa Hà Giang cũng duy trì tăng trưởng ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính cả năm 2022, đạt 14.088,50 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch đã đề ra 7,3%.
Để đạt được kết quả này, công tác tham mưu ban hành và tổ chức triển khai các kế hoạch, chương trình về xúc tiến thương mại, thương mại điện tử… đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh phục hồi sau dịch covid. Thị trường trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, không có hiện tượng lợi dụng tình hình để găm hàng đầu cơ trục lợi. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, nên hoạt động du lịch đã sôi động trở lại kích cầu các nhóm ngành thương nghiệp, lưu trú, ăn uống, góp phần tăng giá trị tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ.
Song song với đó, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại của tỉnh, hỗ trợ liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực theo chuỗi, mở rộng sản xuất và phát triển thị trường, Sở Công Thương đã đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Chủ động công tác xúc tiến thương mại, tham mưu tỉnh ban hành các kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên sản thương mại điện tử của; Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 02 lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức và ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ 08 doanh nghiệp xây dựng website kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Kết quả, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 được triển khai đồng bộ trên cơ sở các phương án, quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho ngành thương mại được chú trọng và có bước phát triển đáng kể. Công tác quản lý, phát triển mạng lưới chợ: Duy trì, phát triển hệ thống chợ truyền thống, chợ dân sinh; Mạng lưới chợ đặc biệt là tại thành phố Hà Giang, trung tâm các huyện lỵ, chợ cửa khẩu, chợ biên giới, chợ trung tâm cụm xã đã được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân. Bên cạnh mạng lưới hạ tầng thương mại chủ chốt là chợ, trong thời gian qua, mạng lưới hạ tầng thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi và hạ tầng phục vụ xúc tiến thương mại như các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm... đã được đông đảo các thành phần kinh tế tư nhân quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển rộng khắp trên địa bàn, qua đó góp phần lưu thông phân phối hàng hóa thông suốt hơn, phục vụ đầy đủ, kịp thời đời sống và sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Sản phẩm hàng hóa của tỉnh được quan tâm phát triển và xúc tiến thương mại để tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và cả nước.
Riêng với công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ, ngay từ đầu năm Sở đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành thành viên Tổ công tác và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn số 533/UBND-KTTH ngày 02/03/2022 về việc triển khai công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh năm 2022. Các Sở, ngành thành viên tổ công tác chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ theo Quyết định số 2259/QĐ-UBND tỉnh ngày 26/10/2018 tiếp tục phối hợp, nghiên cứu và tham gia ý kiến đối với dự thảo Phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác và quản lý chợ của các huyện, thành phố Công tác hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố trong công tác chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ được thực hiện thường xuyên, liên tục; do đó việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ tại các địa phương đã được quan tâm, chú trọng. Dự kiến hết năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 24/173 chợ được thực hiện chuyển đổi mô hình.
Cùng với thương mại nội địa, hoạt động thương mại biên giới thời gian qua đã được quan tâm thường xuyên. Công tác phối hợp với các ngành chức năng trong hoạt động quản lý điều hành hoạt động tại cửa khẩu Thanh Thủy và cơ quan đồng cấp của châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã nối lại được cầu giao thương hàng hoá sau thời gian bị dừng do dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu.