Quy định nồng độ cồn tuyệt đối là cần thiết
Báo động tai nạn do rượu bia
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong số gần 550 nghìn ca tử vong/năm ở nước ta thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.000 ca (trên 7%).
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2022 đã có 13.000 vụ tai nạn giao thông do say rượu lái xe gây ra, làm chết khoảng 4.000 người và bị thương khoảng 10.000 người.
Việc xảy ra tai nạn do uống rượu bia (đa số là nam giới) đã để lại những hệ luỵ vô cùng to lớn không chỉ cho người tham gia giao thông, gia đình họ mà còn cả cho xã hội. Khảo sát cho thấy, nhiều gia đình khi người cha, chồng mất đi, đã lâm vào hoà cảnh kinh tế khó khăn vì thiếu đi trụ cột, không có người dạy dỗ, chăm sóc con cái.
Còn chi phí y tế của nhà nước tăng lên hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm do quá tải cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế. Nghiêm trọng hơn, những người chết hoặc bị thương đã ảnh hưởng tới lực lượng lao động của đất nước.
Trước thực trạng này, ngày 30/12/2019 của Chính Phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, Nghị định này thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó có quy định mức xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như ô tô, các loại xe tương tự ô tô; xe mô tô, xe gắn máy; máy kéo, xe máy chuyên dùng; xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ khác.
Tuỳ vào từng trường hợp sẽ có mức xử phạt khác nhau gồm xử phạt hành chính bằng tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tước chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, thậm chí nếu vi phạm năng gây chết người sẽ bị xử lý hình sự.
Kể từ khi ra đời, Nghị định 100 đã được cả xã hội ủng hộ nhiệt tình. Các lực lượng công an cũng ráo riết vào cuộc, qua đó đã phần nào kéo giảm tai nạn giao thông; nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia giao thông.
Khảo sát của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam thực hiện năm 2022 cho thấy, với quy định phạt nặng hành vi lái xe khi đã uống rượu bia, khảo sát năm 2015 cho thấy có 45% nam giới được hỏi cho biết có lái xe trong 2 giờ sau khi uống rượu bia, khảo sát năm 2021 tỉ lệ này chỉ còn 27%.
Số người tử vong do tai nạn giao thông giảm khoảng 1.000 ca/năm trong các năm 2020-2021, trong đó có nguyên nhân số người uống rượu bia và tham gia giao thông đã giảm bớt.
Tuy nhiên, việc sử dụng rượu bia vẫn còn khá phổ biến và có xu hướng tăng lên. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 2,5 triệu trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trong đó hơn 550.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 22% tổng số trường hợp bị xử phạt.
Lực lượng công an Trà Vinh lập chốt kiểm tra nồng độ cồn và tuyên truyền về tham gia giao thông (Ảnh CA Trà Vinh) |
Cần cấm triệt để
Để xử lý triệt để tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông dưới bất kỳ hình thức nào. Quan trọng hơn là giảm thiểu những hệ luỵ không đáng có do tai nạn giao thông. Mới đây, Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó đề xuất quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Tại các phiên thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật, tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến nêu “cần cân nhắc” với lý do, quy định như vậy quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Tuy nhiên, qua khảo sát nhanh nhiều người được hỏi ý kiến đều đồng tình với quy định của dự thảo Luật vì khi đã có nồng độ cồn trong máu dù rất ít cũng sẽ tác động đến thần kinh của người sử dụng, đặc biệt khi tham gia giao thông thì hành vi sẽ không chuẩn có thể dẫn đến tai nạn giao thông. Do đó việc cấm tuyệt đối là cần thiết, thậm chí còn khuyến nghị các chế tài mạnh hơn.
Đơn cử như Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đã có kiến nghị với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự.
Còn theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng, hành vi sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng cần phải tăng chế tài mới đủ sức răn đe. Hành vi uống rượu bia và lái xe ở Việt Nam mang tính chất thói quen và trở thành nét "văn hóa xấu", tiềm ẩn nhiều nguy hại cho xã hội.
Mặc dù mức xử phạt hành chính người vi phạm nồng độ ở Việt Nam đã là cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan coi thường tính mạng khi tham gia giao thông sau, thậm chí khi bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã không hợp tác, tìm mọi cách chống đối.
Do đó, đã đến lúc nên coi người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là tội phạm hình sự để phòng ngừa tội phạm.