Quảng Ninh: Hiệu quả trong phát triển du lịch từ lễ hội truyền thống các dân tộc
Phát triển du lịch phù hợp với văn hóa các dân tộc
Quảng Ninh có thế mạnh cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa đặc sắc, khác biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số với văn hóa, phong tục riêng biệt. Hiện tỉnh có 632 di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh, cùng 76 lễ hội truyền thống của hơn 20 dân tộc diễn ra thường niên đã giúp tỉnh thu hút hàng triệu lượt khách du lịch hàng năm
Tỉnh Quảng Ninh xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc mà còn tạo động lực phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách, chênh lệch mức sống giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng miền khác của tỉnh.
Lễ hội đình Lục Nà được tổ chức tại xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) hằng năm |
Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh luôn ưu tiến đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt trở thành điểm đến tham quan, nghiên cứu có tính hấp dẫn đối với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng lễ hội quốc tế Canaval Hạ Long trở thành thương hiệu Lễ họi mang dầu ấn nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật tạo hình dân gian đặc sắc của các dân tộc vùng Đông Bắc nói riêng, các dân tộc Việt Nam nói chung.
Đồng thời, xây dựng các làng văn hóa – du lịch của đồng bào các dân tộc thiểu số như dân tộc Dao; Tày, Sán Chay; Sán Dìu trở thành “bảo tàng sống” có bản sắc văn hóa truyền thống thúc đẩy phát triển du lịch; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công, các loại hình nghệ thuật dân gian, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm văn hóa dân gian của các cộng đồng.
Điển hình như những năm gần đây có các lễ hội văn hóa của dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (Tiên Yên), ngày hội văn hóa dân tộc Dao, Tày, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc được duy trì tổ chức, chú trọng nhiều đến khai thác du lịch.
Hay như tại huyện Bình Liêu, với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Liêu đã trở thành địa phương tiêu biểu phát triển được nhiều mô hình du lịch cộng đồng mang bản sắc của địa phương. Trong đó phải kể đến việc duy trì hiệu quả nhiều hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch thường niên, như: Ngày hội Kiêng gió, hội hát Soóng cọ, lễ hội đình Lục Nà, hội hoa sở, hội mùa vàng... Cùng với đó, trên địa bàn cũng đã hình thành các cơ sở lưu trú, homestay đặc sắc, có dấu ấn riêng biệt, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm nét sinh hoạt cộng đồng của bà con để hiểu hơn giá trị, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu...
Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân. Đồng thời tổ chức xây dựng khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhiều dự án, đề tài về nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vungd dân tộc thiểu số được xây dựng và thực hiện như Quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị một số Làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Những trận đá bóng của các cô gái Sán Chỉ ở Bình Liêu đã trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch độc đáo không đâu có ở Việt Nam. |
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 1,1 lượt khách quốc tế tham gia du lịch cộng đồng với tổng thu từ hoạt động du lịch cộng đồng đạt 6.000 tỷ đồng và tạo ra 4.200 việc làm.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai du lịch cộng đồng, quan tâm đến chính sách hỗ trợ hạ tầng, đào tạo nghề, hình thành sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, xây dựng chiến dịch truyền thông cho các địa điểm du lịch cộng đồng; có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, hãng lữ hành…