Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc S’tiêng. Dệt thổ cẩm do người phụ nữ đảm nhiệm, ngoài việc phục vụ nhu cầu thiết yếu trong gia đình, còn là lễ vật cho những lễ hội truyền thống.
|
Dệt thổ cẩm, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào S’tiêng |
Đến các buôn làng nơi có đồng bào S’tiêng sinh sống, chúng ta bắt gặp những hình ảnh rất đẹp của phụ nữ say mê quay tơ, tỉ mẩn chăm chút vào từng đường dệt. Họ đã dệt nên một thứ văn hóa sắc nét trên những hoa văn đầy màu sắc rực rỡ, vừa mang tính dân gian, vừa mang tính hiện đại của cuộc sống.
|
Những tấm thổ cẩm với những hoa văn đầy màu sắc rực rỡ |
|
Thổ cẩm dân tộc S’tiêng với 3 màu chủ đạo đỏ, đen và xanh |
Nghệ nhân dệt thổ cẩm Thị Giôn, dân tộc S’tiêng, xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cho biết: Để tạo nên một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, người thợ dệt không chỉ dành nhiều thời gian gia công mà còn phải dồn tâm huyết từ lựa chọn nguyên liệu đến quy trình quay sợi, dệt vải.
|
Dệt là công đoạn quan trọng nhất để làm ra tấm thổ cẩm |
Theo bà Giôn, để dệt một tấm vải thổ cẩm, người S’tiêng phải trải qua nhiều công đoạn theo nhiều quy trình phức tạp. Màu sắc để nhuộm sợi vải chủ yếu sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên như: Lá, vỏ cây rừng. Nếu muốn có màu đen thì phải dùng vỏ cây lộc vừng, lá trâm bầu... ngâm trong bùn non 7 ngày đêm; còn muốn có màu đỏ phải dùng vỏ cây cánh kiến hay muốn có màu xanh thì chọn lá, vỏ cây chàm... Sợi vải sau khi nhuộm được phơi khô, dùng bàn chải chải dọc theo cuộn sợi để gỡ các vụn màu, vỏ cây.
|
Để tạo được các hoa văn tinh xảo, độc đáo cần đôi tay khéo léo, sự cần cù, óc sáng tạo |
Trong các công đoạn, khâu dệt là công đoạn quan trọng nhất để làm ra tấm thổ cẩm. Đồng bào dân tộc S’tiêng phải sử dụng khung dệt thủ công kết hợp với nhiều chi tiết dụng cụ đi kèm để cuộn các cuộn vải đang dệt, xiết chặt các sợi dệt mới đan, lựa sợi đan hoa văn... Khi dệt thổ cẩm, người thợ dệt phải ngồi thẳng, duỗi hai chân về phía trước cố định đạp vào thanh lồ ô đã được căng sợi. Khung dệt được cột chắc vào thân của người phụ nữ. Phải có sự kết hợp linh hoạt giữa chân, lưng và tay của người phụ nữ, nếu không có sự phối hợp đó thì khó mà lên khung và tạo được tấm thổ cẩm như mong muốn.
|
Hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm là những hình ảnh mang ý nghĩa vô cùng thân thuộc |
Để tạo được các hoa văn tinh xảo, độc đáo, người phụ nữ dân tộc S’tiêng phải có hoa tay, có óc thẩm mỹ, cùng sự am tường về các đường nét, màu sắc, hình khối. Người dệt thổ cẩm được xem như những họa sĩ.
|
Tuổi trẻ thường chọn gam màu tươi sáng |
Với đồng bào dân tộc S’tiêng hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm là những hình ảnh mang ý nghĩa vô cùng thân thuộc. Trong đó chủ yếu là các hình tượng truyền thống như các hình khối, người, chim thú, cây cối, hoa lá và nhiều hoa văn họa tiết khác được thể hiện trong từng ô vuông nhỏ, cân đối. Hoa văn tỉ mỉ và cách phối màu tạo nét hoang sơ, huyền bí. Ngày nay, hoa văn trên vải thổ cẩm cũng được bổ sung cho phù hợp với cuộc sống hiện đại và thị hiếu của người tiêu dùng.
|
Người có tuổi thường lấy gam màu trầm làm chủ đạo |
Phong phú về màu sắc, đa dạng về họa tiết, hoa văn và ở mỗi vùng miền, hoa văn trên thổ cẩm của đồng bào S’tiêng lại mang đặc trưng riêng. Tuy nhiên, trên mỗi tấm thổ cẩm ấy luôn có 3 gam màu chủ đạo. Màu đen tượng trưng cho đất, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời và màu xanh của cỏ cây, hoa lá. Và, ở mỗi độ tuổi, phụ nữ S’tiêng lại khéo léo kết hợp các sắc màu với nhau để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm phù hợp. Nếu là cô gái S’tiêng đang tuổi hẹn hò, yêu đương thì họ luôn chọn thổ cẩm với gam màu tươi sáng, thêu những hoa văn uốn lượn và cuốn hút. Còn các bà, các mẹ thì lấy gam màu trầm làm chủ đạo, đường nét hoa văn rắn rỏi và có sự chiêm nghiệm về cuộc sống.
|
Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng tỉnh Bình Phước đã chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Nghệ nhân dệt thổ cẩm Thị Giôn chia sẻ: Không chỉ là lễ vật, sính lễ quý giá trong tục cưới hỏi của người S’tiêng trước đây, mà ngày nay thổ cẩm, đã đã góp phần dệt nên ấm no, hạnh phúc và tham gia có hiệu quả trong công tác giảm nghèo cho phụ nữ S’tiêng. Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào ngày càng đa dạng về mẫu mã, không đơn thuần chỉ là trang phục hằng ngày của nam, nữ S’tiêng mà đã trở thành sản phẩm du lịch, đem lại giá trị vật chất và tinh thần to lớn.
|
Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào trở thành sản phẩm du lịch, đem lại giá trị vật chất và tinh thần to lớn |
Được biết, “nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng tỉnh Bình Phước” chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quyết định đã mang lại niềm vui rất lớn, đồng thời là động lực để đẩy mạnh công tác bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị di sản thổ cẩm của dân tộc S’tiêng ở Bình Phước.