Quảng Ninh: Cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung tạo động lực mới cho huyện biên giới
Mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung
Theo kế hoạch, ngày 22/5 tới đây, các huyện Bình Liêu, Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) sẽ phối hợp với Chính quyền nhân dân khu Phòng Thành (Trung Quốc) tổ chức Lễ công bố mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc). Trong đó, bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc).
Cửa khẩu Hoành Mô. (Ảnh: UBND huyện Bình Liêu) |
Việc đưa vào vận hành cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung sẽ là động lực mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội của các huyện biên giới nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Đỗ Xuân Trường đã chia sẻ một số thông tin về tiềm năng, thế mạnh và triển vọng của cửa khẩu Bình Liêu trong thời gian tới.
Lãnh đạo huyện Bình Liêu cho biết, bên cạnh việc có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc, huyện Bình Liêu còn có vị trí quan trọng khi kết nối với khu kinh tế Vân Đồn. Do đó, nơi đây rất thuận lợi cho việc tiếp cận với các trung tâm kinh tế lớn để trở thành một cầu nối quan trọng trong mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu hàng hóa, dịch vụ giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Đặc biệt, cửa khẩu Hoành Mô có lợi thế về tiềm năng thị trường xuất khẩu lớn với huyện Ninh Minh và khu Phòng Thành (Trung Quốc). Các đơn vị hành chính này có quy mô dân số lớn; kinh tế tăng trưởng nhanh và là thị trường lớn về hàng tiêu dùng (nhất là thực phẩm, hải sản), du lịch. Trong đó, Ninh Minh không có biển nên nhu cầu quá cảnh qua cửa khẩu Hoành Mô để ra biển thông thương với bên ngoài rất lớn. Theo đó, tuyến đường bộ từ Ninh Minh ra các cảng biển Mũi Chùa, Hải Hà, Vân Đồn, Cửa Ông, Hạ Long... ngắn hơn nhiều so với qua đường Lạng Sơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Đỗ Xuân Trường, để phát triển kinh tế cửa khẩu, chính quyền địa phương đã đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hạ tầng.
Hiện nay, hệ thống cơ sở, kết cấu hạ tầng như: Quốc lộ 18C kết nối từ cửa khẩu Hoành Mô với Quốc lộ 18A, lối mở Bắc Phong Sinh; nhà kiểm soát liên ngành; sân bãi đỗ xe (diện tích 23.792m2); nhà kiểm hóa và kho chứa hàng (diện tích 1.260m2), nhà làm việc cơ quan thường trực Ban Quản lý cửa khẩu và các ngành chức năng, trạm kiểm dịch động vật, thực vật...; chợ biên giới Hoành Mô, các công trình cung cấp điện, nước; cầu Hoành Mô - Động Trung.
Tại huyện Bình Liêu có dự án Khu kho bãi hàng hóa tại Cửa khẩu Hoành Mô, quy mô diện tích trên 7,5ha, công suất thiết kế từ 5 - 10 triệu tấn hàng hóa/năm, tương đương với lưu lượng khoảng 500 xe container/ngày. Bên cạnh đó, còn có dự án Khu trung tâm Logistic tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, quy mô diện tích trên 27ha, công xuất thiết kế đáp ứng lưu lượng trên 450 xe container/ngày làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu Hoành Mô.
"Trong thời gian tới, cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Trong đó việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa cũng được quan tâm", ông Trường chia sẻ.
Theo ông Trường, việc đầu tư cho hạ tầng sẽ góp phần quan trọng vào hoạt động giao thương hàng hóa giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập khẩu và dịch vụ liên quan phát triển.
Thúc đẩy kinh tế cửa khẩu
Trong thời gian qua, các khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát huy được những thế mạnh khu vực và góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Tỉnh Quảng Ninh có 3 khu kinh tế cửa khẩu nằm trong Quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có quyết định thành lập với tổng diện tích trên 144.735ha bao gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái gắn với cửa khẩu Móng Cái với diện tích 121.197ha; khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn với tổng diện tích 14.236ha; khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh với tổng diện tích là 9.302ha.
Cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung sẽ thúc đẩy kinh tế, thương mại. (Ảnh: UBND huyện Bình Liêu) |
Với việc cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung đi vào hoạt động sẽ góp phần kích thích tăng trưởng về kinh tế địa phương và khu vực xung quanh.
Theo thống kê của huyện Bình Liêu, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm có trên 70 doanh nghiệp hoạt động thương mại xuất nhập khẩu qua địa bàn, tổng thu ngân sách nhà nước tăng đều qua các năm. Quá trình phát triển kinh tế giữa 2 huyện Bình Liêu (Việt Nam) - khu Phòng Thành (Trung Quốc) đã phát triển từng bước các hoạt động thương mại, dịch vụ của tất cả các thành phần kinh tế.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông lâm sản; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vải may mặc, gạch ốp lát, phụ gia thực phẩm, hàng nội thất, phụ tùng ô tô, hàng tiêu dùng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung 5 năm gần đây gần 80 triệu USD, góp phần rất lớn và thu ngân sách của huyện Bình Liêu và giải quyết việc làm, phát triển dịch vụ trên địa bàn.
Trong thời gian tới, khi cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) đi vào hoạt động, kinh ngạch xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng lên và góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Theo định hướng đến năm 2050, cửa khẩu Hoành Mô sẽ là 1 trong 3 tiểu vùng kinh tế cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế vùng biên giới Việt - Trung trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ, giao lưu, giao dịch biên giới, vận tải quá cảnh.