Khai thác cát trắng ở Chu Lai
CôngThương - Kỳ III: Điều ước cho “Vàng trắng”
Với trữ lượng cát trắng dồi dào đó, đến nay đã có trên 300 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản được cấp. Trong đó gần 100 giấy phép còn hiệu lực với các loại khoáng sản được khai thác khoảng 1,2 triệu tấn than đá, hơn 5.520kg vàng, 2.450kg bạc, hàng trăm nghìn tấn titan, cát trắng,...
Riêng cát trắng xuất khẩu (XK) đã lên đến cả triệu tấn. Địa chỉ XK chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines... Còn theo báo cáo của Sở Tài Nguyên - Môi trường Quảng Nam thì hàng năm các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã khai thác, chế biến khoảng 200.000 tấn cát thạch anh, nộp ngân sách hơn 17,6 tỷ đồng và đóng góp cho các địa phương tái đầu tư xây dựng hạ tầng hơn 1,5 tỷ đồng...
Niềm hy vọng của người dân Quảng Nam là quyết định 210 ra đời sẽ thực sự đi vào cuộc sống. Chấm dứt nạn “cát tặc”hoành hành. Không để người dân vùng cát bao đời nay “sống trong cát, chết vùi trong cát” nhưng không được làm giàu từ cát. |
Nhiều người cho biết, đó là con số quá nhỏ khi DN thu được nguồn lợi lớn từ bán tài nguyên thô.
Vì giá cát trắng xuất khẩu sang châu Âu để sản xuất thủy tinh không dưới 18USD/tấn. Vừa qua, một số DN lớn đã đầu tư các dây chuyền chế biến sâu và sản xuất ra những sản phẩm cao cấp. Như Công ty Minco vào năm 2010 đã đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm vải sợi thủy tinh có công suất 1.000 tấn vải/năm “made in Việt Nam”. Đồng thời, sản xuất ra một số chủng loại sản phẩm sợi thủy tinh ứng dụng trong sản xuất composite phục vụ cho công nghiệp đóng tàu thuyền, ghe, tàu đánh cá, tấm lợp, thùng chứa, vách nhà, sàn nhà, sàn cầu treo... góp phần giảm nhập khẩu trên 60.000 tấn vải sợi thủy tinh/năm từ Trung Quốc.
Hay Nhà máy kính nổi Chu Lai (INDEVCO) công suất 900 tấn sản phẩm/ngày được đầu tư năm 2010, nay đã cho ra đời 800.000 tấn kính xây dựng các loại (có độ dày từ 4mm đến 12mm). Chất lượng sản phẩm đạt cả 3 tiêu chuẩn: TCVN 7218-2002, tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và tiêu chuẩn JISR 3202-1996 của Nhật Bản. Do chất lượng của nguồn nguyên liệu cát trắng Quảng Nam và chất lượng sản xuất, sản phẩm “Kính nổi Chu Lai” đã có mặt tại thị trường Hàn Quốc, Campuchia, Singapore, Mỹ, Australia, Philippin… Doanh thu bình quân hàng năm trên 2.000 tỷ đồng, 30% sản phẩm được xuất khẩu đi nước ngoài…
Mặc dù vậy, sự đầu tư này không thấm vào đâu so với lượng cát trắng bị xúc bán thô, DN khai thác cát trắng vẫn ung dung trốn thuế… Thậm chí, một số công ty có đầu tư các nhà máy chế biến sâu, sản phẩm cao cấp vẫn chưa làm gương cho các DN khác, mà vì lợi nhuận trước mắt đã lén khai thác lậu gây mất uy tín DN. Sự buông lỏng quản lý nhiều năm qua đã khiến nguồn “vàng trắng” này chưa thực sự mang lại nguồn lợi lớn cho tỉnh Quảng Nam. Trái lại gây thêm bức xúc cho người dân vì nạn cát tặc hoành hành tàn phá môi trường, phá hỏng cơ sở hạ tầng đường sá, khu dân sinh, an ninh trật tự địa phương.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định số 210/QĐ- UBND, nêu rõ “xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, cho phép khai thác khoáng sản, thuê đất để tập kết, kinh doanh khoáng sản không đúng quy định pháp luật hoặc bao che, làm ngơ để thu tiền cho ngân sách địa phương”. Nghiêm hơn nữa, quyết định cũng chỉ đạo rõ: Chủ trương của UBND tỉnh là không xuất bán nguyên liệu thô hoặc chỉ qua sơ chế đối với các loại khoáng sản cát trắng, đá vôi, titan.