Gian lận bằng cấp nhân sự của loạt nhà thầu ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Đấu thầu là một quá trình cạnh tranh công khai, minh bạch nhằm lựa chọn nhà thầu phù hợp nhất để thực hiện các công việc cụ thể, cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc dự án. Quá trình này thường dựa trên các tiêu chí đánh giá như giá cả, chất lượng, tiến độ và năng lực, kinh nghiệm. Mục tiêu chính của đấu thầu là đảm bảo cạnh tranh, hiệu quả kinh tế, công bằng và minh bạch trong việc sử dụng ngân sách hoặc nguồn vốn đầu tư.
Trong đấu thầu, nhà thầu chịu trách nhiệm đối với tính chính xác, trung thực của các tài liệu, thông tin đã nộp trong hồ sơ dự thầu. Thời gian qua, không ít nhà thầu bị loại ngay ở bước đánh giá về kỹ thuật do sử dụng nhân sự có bằng cấp, chứng chỉ giả bị chủ đầu tư/bên mời thầu phát giác.
UBND thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) đã cấm thầu Công ty Cổ phần Thương mại và Xây lắp Trung Tâm 4 năm. Ảnh: Báo TNMT |
Đơn cử, UBND thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) đã ban hành quyết định cấm Công ty Cổ phần Thương mại và Xây lắp Trung Tâm tham gia hoạt động đấu thầu đối với dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi UBND thị xã Buôn Hồ quản lý trong thời gian 4 năm kể từ ngày 13/8/2024. Bởi, khi tham gia đấu thầu Gói thầu xây lắp thuộc công trình Đường giao thông liên xã từ xã Ea Siên đi xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ (từ thôn 1B, xã Ea Siên đến Buôn Dhu, xã Ea Drông), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Buôn Hồ đã phát hiện Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Trung Tâm sử dụng nhân sự phụ trách kỹ thuật thi công sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả.
Hình thức xử lý có phần “nặng tay” nhưng đã trở thành bài học đắt giá, “khắc cốt ghi tâm” không chỉ với doanh nghiệp này mà với cả các nhà thầu khác.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua, nhiều nhà thầu khi tham gia đấu thầu cũng đã bị loại ngay ở bước đánh giá về kỹ thuật do sử dụng nhân sự có bằng cấp, chứng chỉ giả.
Mới đây nhất, một doanh nghiệp có tiếng trong đấu thầu mảng xây lắp bị chấm trượt thầu do hành vi tương tự, kê khai nhân sự có bằng đại học giả được dư luận quan tâm. Theo đó, liên doanh của Dic Holdings (Công ty Cổ phần Xây dựng Dic Holdings) đã có hành vi không trung thực khi kê khai nhân sự nên đã trượt gói thầu có giá trị hơn 225 tỷ đồng.
Cụ thể, UBND TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu Xây lắp và thiết bị (gói thầu số 08) thuộc dự án Chung cư tái định cư tại Khu tái định cư phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu. Gói thầu có giá dự toán 225,781 tỷ đồng. Ngày 25/11/2024, Công ty cổ phần xây dựng U&I được công bố trúng thầu với giá 205,231 tỷ đồng.
Gói thầu này có 8 nhà thầu tham dự, trong đó HSDT của 6 nhà thầu bị loại vì không đáp ứng yêu cầu về nhân sự do kê khai bằng cấp không trung thực. Đáng chú ý, trong số này có cái tên liên danh Thắng Nhất, do Công ty Cổ phần Xây dựng Dic Holdings đứng đầu.
Dic Holdings là tổng thầu dự án Chung cư A2-1 Chí Linh (Vung Tau Centre Point). Ảnh: Thanh Huyền |
Tham dự gói thầu này, liên doanh của Dic Holdings đã kê khai cán bộ phụ trách đo đạc công trình là ông Trần Anh Dũng – Kỹ sư kỹ thuật trắc đạc – bản đồ, bằng đại học do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cấp.
Qua xác minh của bên mời thầu, ngày 5/11/2024, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản xác minh văn bằng tốt nghiệp đại học của ông Trần Anh Dũng. Trong văn bản Nhà trường xác nhận “Văn bằng tốt nghiệp của ông Trần Anh Dũng không có trong hồ sơ lưu trữ và không phải do Trường cấp”.
Tương tự, tham gia gói thầu này Công ty Cổ phần Xây dựng An Phú Gia, Liên danh Quản Trung - Hoàng Gia (do Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Quản Trung đứng đầu), Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Dịch vụ thương mại Thái Thịnh… cũng có hành vi kê khai nhân sự không trung thực.
Theo tìm hiểu, Dic Holdings là doanh nghiệp lớn, có tiếng ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, công ty này còn được biết đến là tổng thầu của chung cư A2-1 Chí Linh (Vung Tau Centre Point – dự án căn hộ chung cư cao cấp ở TP. Vũng Tàu).
Câu hỏi đặt ra là liên doanh của Dic Holdings và các nhà thầu tham gia đấu thầu tại gói thầu này liệu có bị cấm thầu khi đã có hành vi sử dụng nhân sự có bằng cấp, chứng chỉ giả?
Ngày 7/12, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Vũ Đình Thọ - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đình Vũ cho biết, trong quá trình tham gia đấu thầu, Nhà thầu phải cung cấp thông tin và hồ sơ dự thầu chính xác, đầy đủ. Việc cung cấp thông tin sai lệch, giả mạo hoặc thực tế không đúng sẽ được xem là hành vi gian lận.
Luật sư Vũ Đình Thọ - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đình Vũ. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cũng theo Luật sư Thọ, khoản 2 Điều 27 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về việc nhà thầu kê khai nhân sự, thiết bị không trung thực thì: “Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu không trung thực thì không được thay thế nhân sự, thiết bị khác, hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Đấu thầu và bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 125 của Nghị định này”.
Do đó, chiếu theo điểm a khoản 1 Điều 125 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, thì nhà thầu có thể sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm.
Trước đó, trả lời phóng viên Báo Công Thương vào ngày 29/11/2024, ông Đoàn Hải Linh – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Vũng Tàu (đại diện chủ đầu tư) nói: “Một cá nhân người ta sử dụng thì tổ chức người ta không kiểm soát được, cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Nếu vì việc đó mà mình xử lý tổ chức thì tổ chức đó họ đã không được trúng thầu cái đó rồi. Hành vi này mà cấm người ta đấu thầu mấy năm thì hơi oan cho người ta, nên Ban đề xuất là chỉ xử lý cá nhân”.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đình Vũ cho hay: “Bản thân nhà thầu khi tham gia đấu thầu cũng phải đảm bảo tính chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký. Việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong 1 thời gian được coi là một hình thức xử lý, trừng phạt, ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong đấu thầu. Trong trường hợp hành vi sử dụng bằng giả gây ra hậu quả nghiêm trọng thì việc cấm thầu là cần thiết. Nên cá nhân tôi nhận thấy trong trường hợp này nhà thầu không bị oan”.
Điều đáng nói, theo hồ sơ mà phóng viên Báo Công Thương có được, vào giữa tháng 10/2024, Công ty cổ phần xây dựng U&I – Nhà thầu vừa trúng thầu gói thầu nói trên, bị đề nghị xem xét cấm thầu vì có hành vi gian lận bằng cấp nhân sự khi tham gia đấu thầu tại một gói thầu khác trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Công ty cổ phần xây dựng U&I được cơ quan chức năng tỉnh này xác định là có hành vi gian lận theo quy định tại Khoản 4, Điều 16, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Phải chăng đây là trường hợp cá biệt?