Vùng cát trắng Thăng Bình chưa mang lại ngưồn lợi cho địa phương mà nạn “cát tặc” còn tàn phá môi trường
CôngThương - Kỳ I: Trục lợi từ “vàng trắng”
Chuyện các DN lợi dụng giấy phép của UBND tỉnh Quảng Nam cấp khai thác mỏ cát trắng hay tận thu cát trắng ở một số công trình xây dựng, khu công nghiệp để phá nát môi trường xảy ra ở khá nhiều địa phương. Tuy nhiên, xúc cát trắng, bán tài nguyên thô trong một thời gian dài, biến cát trắng thành cát đổ nền, lách luật trốn thuế, thu lợi bất chính… thì có lẽ chỉ có các DN ở Quảng Nam là lắm “chiêu trò”. Sự việc nổi đình đám từ khi Thanh tra tỉnh vào cuộc do có nhiều đơn thư tố cáo vượt cấp, ý kiến cử tri đặt lên bàn nghị sự của HĐND các cấp của tỉnh.
Vụ việc lên đến đỉnh điểm của khi đích thân Chủ tịch UBND tỉnh ra tay xử lý nhiều DN khai thác cát, truy thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trên 45 tỷ đồng, trong đó nhiều vụ được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Nguồn cát trắng Quảng Nam xuất khẩu sang châu Âu để sản xuất thủy tinh được đánh giá có chất lượng tốt, giá không dưới 18USD/tấn. Tuy nhiên, nguồn “vàng trắng” này chưa mang lại lợi ích lớn cho địa phương. Nạn “cát tặc” tàn phá môi trường, phá hỏng cơ sở hạ tầng, đường sá, ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự. |
Cụ thể, Công ty XNK dịch vụ và đầu tư Việt Nam (Vicosimex) chi nhánh miền Trung bị truy thu 685.066.000 đồng. Chỉ được UBND tỉnh cho phép khai thác 7.755m3 cát trắng trong 3 tháng, nhưng Vicosimex đã khai thác đến 17.721,03m3, vượt 10.565,03m3 không đưa vào sổ sách, trốn thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường hơn 104 triệu đồng. Công ty CP kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam (Minco) bị truy thu 1.062.829.000 đồng do khai thác cát trắng khống, mua khống, trốn thuế… Ngoài ra còn nhiều cá nhân, DN khác cũng bị đưa vào danh sách truy thu do xúc cát trắng bán tài nguyên thô, mua bán hóa đơn, trốn thuế như Công ty TNHH TM-DV-DL Phúc Khang, DNTN Võ Hoàng Giang (huyện Thăng Bình), Công ty TNHH Đức Hòa, Công ty TNHH Hoàng Dự, DNTN Đỗ Văn Đinh, DNTN Ngọc Đinh, hộ kinh doanh Võ Đăng Phước và Hồ Ngọc Kiềm, ông Lê Văn Hai, ông Lê Văn Ba (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành), ông Hoàng Tú Linh (xã Tam Giang, huyện Núi Thành)... với tổng số tiền 882.417.000 đồng.
Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Phan Văn Minh (xã Hương An, huyện Quế Sơn) năm 2013 đã bán cho Vicosimex chi nhánh miền Trung và Công ty Minco 30.457m3 cát trắng không rõ nguồn gốc, không trực tiếp xuất hóa đơn, trị giá 5.293.774.000 đồng; bán cho Công ty Minco 124.307,5m3 cát trắng có xuất hóa đơn nhưng không chứng minh được nguồn gốc, trốn thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường 2.824.342.550 đồng; bán khống cho Công ty Minco 15.584,4m3 cát trắng nhưng ghi thành cát san nền để trốn Thuế Tài nguyên 444.155.400 đồng.
Một đầu nậu khác là giám đốc 2 Công ty TNHH Lan Anh và Phú Lan Anh khai thác và mua bán trái phép 251.437m3 cát trắng, trị giá trên 24 tỷ đồng; trốn Thuế Tài nguyên và phí bảo vệ môi trường gần 7 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu nậu này còn tổ chức mua - bán hóa đơn để hợp thức hóa việc khai thác, tiêu thụ cát trắng trái phép...
Kỳ II: Buông lỏng quản lý