Đó là những nội dung được các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp (DN) thảo luận tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 với chủ đề “Bứt phá từ những động lực tăng trưởng”, diễn ra ngày 12/3, tại TP. Hồ Chí Minh.
Các chuyên gia kinh tế và đại diện ngân hàng thảo luận về quản trị bền vững ngân hàng tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế |
Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cho hay, năm 2018 trong khi toàn cầu có khoảng 80 đợt tăng lãi suất thì Việt Nam đã hạn chế khá tốt về lãi suất, kiểm soát tín dụng (tăng trưởng 14%); dù áp lực lớn lên tỷ giá nhưng chúng ta vẫn giữ được ổn định tỷ giá (biến động chỉ trên 2%). Sang quý 1/2019, tín dụng của Việt Nam tăng không đột biến, thanh khoản thị trường cũng khá ổn định; dòng vốn từ tháng 12/2018 quay trở lại và NHNN tiếp tục bán ngoại tệ cho DN. Lãi suất hiện đã ổn định trở lại, nhiều ngân hàng đã có kế hoạch giảm lãi suất.
Việc lãi suất giảm sẽ tạo điều kiện cho các DN nhất là DN vừa và nhỏ tiếp cận để vay vốn kinh doanh, xuất khẩu. Theo ông Hà, dự kiến điều hành chính sách tiền tệ 2019 cũng tương tự như năm 2018. Hiện tăng trưởng tín dụng khoảng trên 1%, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm 14%. Về mặt tín dụng ngoại tệ, tiếp tục cắt giảm theo Thông tư 42 nên DN xuất khẩu hoặc vay ngắn hạn mới được vay ngoại tệ.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) - năm 2019 lãi suất sẽ giữ như mức 2018 nhưng lãi suất đầu ra sẽ phân loại theo giá trị rủi ro của DN. DN nào rủi ro sẽ phải vay lãi suất cao hơn và như vậy có DN vay lãi suất chỉ 5-6% nhưng có DN vẫn phải vay 11%. “Tôi nghĩ các ngân hàng thương mại cũng dần theo chuẩn đó để quản trị rủi ro được tốt hơn” - ông Tùng cho biết.
Đồng quan điểm, TS. Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo - năm 2019, mặt bằng lãi suất có thể giữ ổn định do áp lực lạm phát giảm bớt khi giá dầu thế giới được dự báo không biến động; đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá. Bên cạnh đó, áp lực lên tỷ giá có thể không quá lớn bởi các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn. Đây là các yếu tố tích cực giúp chính sách tỷ giá chủ động hơn để tiến dần đến điểm cân bằng ngang giá tiền tệ.
Dù nhận định tài chính tiền tệ năm 2019 sẽ ổn định tích cực, tạo thuận lợi cho DN nhưng theo các chuyên gia, để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội đã được Quốc hội phê duyệt cho năm 2019, Nhà nước cần củng cố vững chắc hơn nền tảng kinh tế vĩ mô như: Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước; tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, tạo những chuyển biến rõ rệt trong giảm chi thường xuyên để tạo không gian chính sách tài khóa và tăng chi đầu tư cho phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống quản trị các ngân hàng thương mại, trong đó tập trung vào việc sớm áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng thương mại theo thông lệ quốc tế; đẩy nhanh tiến độ áp dụng Basel II (áp dụng đối với tất cả các ngân hàng thương mại thay vì thí điểm 10 ngân hàng thương mại như giai đoạn vừa qua).
Đặc biệt là cần có sự chuẩn bị kỹ càng về hạ tầng pháp lý cũng như hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tận dụng những ưu thế và ứng phó kịp thời với các rủi ro trong tương lai do tiến triển của cách mạng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ tài chính.