Quản lý an toàn thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh: Có chuyển biến
Tất cả thịt lợn vào chợ đầu mối Bình Điền đều được truy xuất nguồn gốc |
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tháng 3/2017, Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động, với 6 phòng chức năng và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm. Bên cạnh đó, ban quản lý còn thành lập 8 đội quản lý ATTP liên quận, huyện và 2 đội ở chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền.
Để chống lại thực phẩm bẩn, thời gian qua, Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh đã thiết lập và tăng cường hiệu quả hệ thống thanh tra, kiểm nghiệm hàng rào kỹ thuật cũng như tiến hành xây dựng hệ thống thực phẩm sạch bằng cách tiếp tục nâng cao hiệu quả các chuỗi thực phẩm an toàn, đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm, không chỉ là thịt heo, rau, củ, quả mà còn nhiều mặt hàng khác, cũng như phát triển những mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính trong việc cấp phép để không gây phiền hà cho người dân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về ATTP cho mỗi người dân.
Thông tin tại Hội nghị Sơ kết một năm thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh cho thấy, sau một năm đi vào hoạt động thí điểm, Ban quản lý ATTP đã thanh tra, kiểm tra 366 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 79 cơ sở, với số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng; phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn; kiểm tra định kỳ và lấy mẫu giám sát chất lượng của các cơ sở thực phẩm, góp phần hạn chế ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh- mặc dù, có nhiều cơ quan tham gia quản lý nhưng thực tế, việc xử phạt các cơ sở vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, trong quy định xử phạt đối với việc sử dụng hóa chất độc hại, cơ quan chức năng chỉ được phép xử phạt đối với trường hợp sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép. Trong khi, trên thực tế, rất nhiều hóa chất nguy hiểm được sử dụng sai mục đích, liều lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng không thể phạt được.
Đáng lo ngại, thời gian qua, đội quản lý ATTP thành phố đã phát hiện nhiều sản phẩm thịt động vật ế, dư thừa sau các chợ. Với tình trạng này, nếu không quản lý tốt, số thịt ôi thiu dễ dàng trở thành nguyên liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất giò, chả, xúc xích. Sau đó, sẽ được tuồn ra thị trường, tiếp tục đưa đến bàn ăn của người tiêu dùng.
Để phát huy hiệu quả của mô hình quản lý ATTP tại địa phương, thời gian tới, Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai dịch vụ hành chính công cấp độ 3, 4 cho các thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc cung ứng sản phẩm bảo đảm an toàn. |