Ước tính, mỗi tháng người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 96.700 tấn gạo, 19.300 tấn thịt lợn, 5.350 tấn thịt bò, 6.400 tấn thịt gà, 129 triệu quả trứng gia cầm, 19.250 tấn thủy sản, 5.350 tấn thực phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản, 107.500 tấn rau, củ, quả. Thế nhưng, hiện Hà Nội chỉ chủ động được khoảng 20-70% các loại nông sản, thực phẩm, nguồn cung cấp còn lại chủ yếu đến từ các tỉnh ở khu vực phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu từ ngành Nông nghiệp Hà Nội cho thấy, Hà Nội đang duy trì, phát triển 159 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia xây dựng. Ngoài ra, Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã tích cực duy trì, hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội. Để tạo nguồn thực phẩm an toàn và nguồn cung ổn định, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thế Hiệp cho biết, năm 2024, ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch số 283/KH-UBND ngày 30/11/2023 của UBND Thành phố về đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa và tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương năm 2024. Theo đó, Sở Công Thương đã tổ chức Đoàn công tác về khảo sát vùng sản xuất, hỗ trợ quảng bá, kết nối trái cây, nông sản tại tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và kết nối tiêu thụ vào hệ thống phân phối Hà Nội; hỗ trợ đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng khảo sát thị trường Hà Nội, tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tỉnh Lâm Đồng tại thành phố Hà Nội; phối hợp cung cấp thông tin trên 2.000 sản phẩm theo đề nghị của một số tỉnh, thành phố đến các doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị phân phối Hà Nội chủ động kết nối tiêu thụ theo nhu cầu… Đặc biệt, Sở cũng đã tích cực thông tin các sự kiện, hội chợ do các tỉnh, thành phố tổ chức như các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tiền Giang… đến các doanh nghiệp, đơn vị Hà Nội nghiên cứu, đăng ký tham gia theo nhu cầu. Đồng thời, tổ chức Đoàn công tác triển khai khu gian hàng Hà Nội tham gia Hội chợ Công Thương cấp vùng Tây Nguyên- Kon Tum 2024. Thường xuyên phối hợp giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản, OCOP Hà Nội như: Bánh cốm, mứt sen, chè lam… đến đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị các tỉnh, thành phố để quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường… Cùng với đó, Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2024 diễn ra từ ngày 30/5 đến ngày 04/6/2024 với quy mô 120 gian hàng của khoảng 70 đơn vị tham gia đến từ các tỉnh, thành phố, các quận, huyện thị xã của thành phố Hà Nội, với nhiều chủng loại sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, các sản phẩm OCOP của các địa phương cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng nhân dân Thủ đô đã được Sở Công Thương tổ chức, qua đó góp phần xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng bền vững các sản phẩm nông sản an toàn… |
Đặc biệt, Lễ hội an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024 diễn ra từ ngày 13/9/2024 đến 17/9/2024, tại Công viên thống nhất -Hà Nội với quy mô 100 gian hàng của 96 đơn vị tham gia đến từ các tỉnh, thành lân cận và các quận, huyện thị xã của thành phố Hà Nội với các sản phẩm: bánh Trung Thu truyền thống; bánh, mứt, kẹo các loại; hoa quả đặc trưng của các vùng miền; đồ uống các loại; sản phẩm đồ chơi truyền thống và hiện đại… Thông qua các hội chợ, triển lãm, lễ hội… Sở Công Thương Hà Nội đã góp phần quảng bá các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, thúc đẩy văn hóa sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn của người dân thủ đô. |
Mặt hàng trái cây có mức tiêu thụ rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân nên những năm qua, công tác kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng trái cây được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Ngày 7/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai đề án Tăng cường Quản lý các Cửa hàng Kinh doanh Trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2024. Mục đích chính của kế hoạch là tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan trong quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, Sở Công Thương đã phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao tại Đề án và Kế hoạch năm 2024. |
“Kết quả 9 tháng đầu năm, qua rà soát, trên địa bàn Thành phố có 1.446 cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án (trong đó: 353 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 1.093 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây); UBND các quận, huyện, thị xã đã cấp biển nhận diện cho 1.089 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng yêu cầu và xây dựng, duy trì 191 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Sở Công Thương tiếp tục đôn đốc, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch năm 2024”- ông Nguyễn Thế Hiệp chia sẻ. Đối với kế hoạch thực hiện Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024, qua rà soát, thống kê, ông Nguyễn Thế Hiệp cho hay, trên địa bàn Thành phố hiện có 18.415 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ thuộc đối tượng Đề án; UBND các quận huyện thị xã đã hướng dẫn, cấp biển nhận diện cho 2.977 cơ sở đáp ứng yêu cầu về ATTP và tiêu chí tại Đề án; xây dựng 25 trạm xét nghiệm nhanh tại chợ trên địa bàn 8 quận huyện; 26/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai xây dựng và ban hành quy chế về quản lý đảm bảo ATTP đối với 358 chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. UBND các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch của Thành phố trong năm 2024. Có thể khẳng định, việc triển khai các mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn thông qua các Đề án của thành phố Hà Nội đã góp phần nâng cao nhận thức của người quản lý, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, lành mạnh và ổn định thị trường thực phẩm. Ông Nguyễn Thế Hiệp khẳng định: Việc xây dựng, triển khai các mô hình điểm về ATTP được tích cực triển khai thực hiện, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, góp phần kiểm soát chất lượng các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường. |
Thu Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |