PMI ngành sản xuất của Việt Nam tháng 4 giảm còn 45,6 điểm
Số lượng đơn đặt hàng mới ghi nhận mức giảm
Sáng 5/5/2025, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 4/2025. Trong đó có 3 điểm nhấn nổi bật: Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm đáng kể; Tâm lý kinh doanh đạt mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021; Tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại và giá cả đầu ra giảm.
Sau ba tháng liên tiếp giằng co quanh mốc 50 điểm, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã “rơi” mạnh từ 50,5 điểm trong tháng 3 xuống chỉ còn 45,6 điểm trong tháng 4/2025.
Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023 và phản ánh mức độ suy yếu rõ rệt nhất của ngành sản xuất trong vòng 11 tháng. Kết quả khảo sát được thực hiện với 400 doanh nghiệp từ ngày 09 đến 22/4.
Đáng chú ý, số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất giảm đáng kể trong tháng 4, từ đó đảo ngược xu hướng tăng trong tháng 3. Hơn nữa, tốc độ suy giảm là mạnh và nhanh nhất trong gần hai năm. Người trả lời khảo sát cho biết tình trạng giảm của số lượng đơn đặt hàng mới phản ánh tác động về biến động của tình hình thị trường quốc tế.
Một điểm tích cực là chi phí đầu vào đã hạ nhiệt. Theo S&P Global, tốc độ tăng giá nguyên vật liệu trong tháng 4/2025 là yếu nhất kể từ khi chuỗi tăng giá bắt đầu vào tháng 8/2023. Một số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chi phí dầu và vận tải quốc tế đã bắt đầu giảm, giúp giảm áp lực nhập khẩu và cải thiện tiềm năng hồi phục biên lợi nhuận gộp trong quý II và quý III.
Giá bán giảm sâu, kỳ vọng mở cho chính sách
Thị trường tiêu dùng toàn cầu suy yếu đã buộc các doanh nghiệp sản xuất phải tiếp tục hạ giá bán để giữ vững khách hàng. Tháng 4 là tháng thứ tư liên tiếp giá bán sản phẩm giảm, với mức giảm mạnh nhất trong vòng 21 tháng. Dù tác động tiêu cực lên lợi nhuận ngắn hạn, xu hướng giảm giá này lại có thể góp phần ổn định kỳ vọng lạm phát – yếu tố then chốt tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ linh hoạt hơn trong nửa cuối năm.
PMI tháng 4/2025 rơi khỏi ngưỡng tăng trưởng sau một tháng phục hồi. Nhưng để vượt lên và bước vào chu kỳ tăng trưởng thực chất, nền kinh tế cần thêm lực kéo từ thị trường quốc tế, chính sách nội địa hợp lý. Ảnh: TT |
Trong bối cảnh đó, tâm lý kinh doanh suy yếu và lạm phát được kiềm chế, các công cụ như tăng tín dụng ưu đãi hoặc tái cơ cấu dòng vốn được kỳ vọng sẽ được triển khai với cường độ mạnh hơn. Đây cũng là một trong những chiến lược hỗ trợ kịp thời cho nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng từ biến động thương mại.
Tuy vậy, đối với giới đầu tư tài chính, chỉ số PMI không đơn thuần là một tín hiệu kỹ thuật mà là chỉ báo dẫn đường cho chu kỳ lợi nhuận. Việc định giá lại cổ phiếu và kỳ vọng dòng tiền quay trở lại chỉ thực sự có cơ sở khi đơn hàng ổn định trở lại, sản lượng phục hồi và chi phí đầu vào kiểm soát được. Khi đó, các nhóm ngành nhạy với chu kỳ kinh tế như logistics, công nghiệp phụ trợ, nguyên vật liệu và bất động sản khu công nghiệp sẽ là tâm điểm của chiến lược phân bổ mới.
Theo ông Andrew Harker- Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence: Trong một tình hình không ổn định, điều quan trọng là cần theo dõi dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong những tháng tới để xem các điều kiện kinh doanh diễn biến như thế nào. Đây là cảnh báo không chỉ dành cho doanh nghiệp sản xuất mà còn là lời nhắc nhở cho mọi nhà đầu tư đang tìm kiếm tín hiệu sớm từ nền kinh tế thực.
PMI tháng 4/2025 rơi khỏi ngưỡng tăng trưởng sau một tháng phục hồi. Nhưng để vượt lên và bước vào chu kỳ tăng trưởng thực chất, nền kinh tế cần thêm lực kéo từ thị trường quốc tế, chính sách nội địa hợp lý và đặc biệt là tâm lý tự tin hơn từ chính cộng đồng doanh nghiệp. |