Chủ nhật 29/12/2024 09:29

Phát triển thương mại điện tử: Cần cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững

Với tốc độ tăng trưởng trung bình tới 26%/năm, thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Cơ hội mới

Tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang đứng top đầu thế giới và khu vực; đứng top 3 Đông Nam Á. Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 45 tỷ USD. Nhiều dự báo, thương mại điện tử sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số.

Phát triển thương mại điện tử, cần cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững. Ảnh: Hồng Hạnh

Sở dĩ có nhiều niềm tin cho lĩnh vực này phát triển mạnh, bởi hiện nay, Việt Nam có trên 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ, với xu hướng thương mại điện tử phát triển mạnh, đặc biệt sau giai đoạn Covid-19, các hoạt động bán buôn, bán lẻ đang có xu hướng đưa lên nền tảng thương mại số. Vì vậy, mục tiêu doanh thu từ thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 hoàn toàn khả thi.

Còn theo Báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google và Temasek công bố những ngày đầu tháng 11/2024, ước tính quy mô nền kinh tế internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế internet.

Ngoài yếu tố giá cả, sự tiện lợi của thương mại điện tử khi giao hàng tận nhà là yếu tố quan trọng đối với khách hàng. Bên cạnh đó, việc có thể theo dõi đơn hàng, tốc độ và chi phí giao hàng cũng tác động đến những trải nghiệm của khách hàng.

Chia sẻ tại Diễn đàn chuyển đổi số ngành Công Thương, diễn ra mới đây, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra con số khá ngạc nhiên: Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng.

Với thị trường 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.

Đáng chú ý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Trong đó nêu rõ, thời gian vừa qua, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới...

Một trong những nội dung quan trọng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát Luật thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử; chủ động xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030…

Triển vọng tích cực cho thương mại điện tử xuyên biên giới

Đánh giá của giới chuyên gia, thương mại điện tử xuyên biên giới đang có cơ hội phát triển rất lớn. Hiện nay, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã xây dựng các nền tảng thương mại điện tử B2B, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới như Amazon, Alibaba, Timo... để hàng hóa trên sàn thương mại điện tử của Việt Nam sẽ tương ứng xuất hiện trên những nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, qua đó kết nối người mua trực tiếp với người bán, cũng như nhà sản xuất.

Trong một thống kê của Amazon Global Selling, thông qua nền tảng Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...

Dưới góc độ doanh nghiệp, tiến sĩ Yap Kwong Weng - CEO Việt Nam SuperPort - cũng đưa ra nhận định: Hoạt động thương mại của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng trong 5 năm tới, nhờ vào các Hiệp định Thương mại tự do, nguồn đầu tư từ nước ngoài và các khoản đầu tư công, tạo ra triển vọng tích cực cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng hoạt động thương mại trên nền tảng số.

Hàn Quốc là một trong những đối tác thương mại đang phát triển của Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử và thiết bị gia dụng. “Để hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững, Việt Nam SuperPort áp dụng các giải pháp tiên tiến như sử dụng năng lượng mặt trời cho các tòa nhà, hệ thống lưu trữ năng lượng và xe tải điện…Tất cả vì mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040. Với khách hàng, việc hợp tác với một cảng logistics ưu tiên tính bền vững mang lại lợi thế cạnh tranh, giúp họ đạt được các mục tiêu ESG của chính mình và tuân thủ các quy định về môi trường toàn cầu ngày càng nghiêm ngặt”, tiến sĩ Yap Kwong Weng chia sẻ.

Không thể phủ nhận thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh doanh số, nắm bắt và phản hồi nhanh đối với nhu cầu thị trường và thoát khỏi giới hạn của thị trường về quy mô, mùa vụ cũng như xây dựng và nâng cao nhận diện thương hiệu ở thị trường nước ngoài… Tuy nhiên, để có thể tận dụng hiệu quả kênh xuất khẩu này bên cạnh có một hành lang pháp lý thuận lợi thì doanh nghiệp cần phải chủ động thích ứng với những quy định của thị trường.

Trong đó, tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới. Vì thế giói chuyên gia khuyến cáo, hàng hóa Việt Nam để vươn ra thị trường toàn cầu cần cân nhắc rất nhiều đến yếu tố phát triển bền vững.

Chia sẻ tại Hội nghị “Tiềm năng và cơ hội của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam”, diễn ra mới đây, ông Liu Liang - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam Trung Quốc cũng nhắc đến vấn đề này; đồng thời cho biết, triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Vân Nam trong tương lai cần tập trung thúc đẩy thương mại điện tử xanh, khuyến khích bao bì thân thiện với môi trường và logistics carbon thấp, đóng góp cho sự phát triển bền vững toàn cầu...

Tâm An
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

Phở sắn nguyên chất Caromi: Tinh hoa ẩm thực trên Sàn Việt

Giá trị miến dong Kiên Sơn tăng cao nhờ kinh doanh trên Sàn Việt

Thương mại điện tử thổi luồng sinh khí mới cho hợp tác xã

Rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá đối với thép cán nguội

Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Công tác phát triển thị trường châu Á - châu Phi phải trọng tâm, trọng điểm

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024

Mật ong Cẩm Tú - Tinh hoa từ vườn nhãn lên sàn thương mại điện tử

Châu Á - châu Phi tiếp tục là thị trường chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu

Năm 2025, cần đưa ra mục tiêu, giải pháp trong cả hoạt động nhập khẩu

Xuất khẩu nông sản: Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Khai mạc Chương trình Phố rượu vang, trà, cà phê và đặc sản Đà Lạt

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với đường mía

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

EU khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số hợp kim gốc mangan và silicon

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xúc tiến thương mại và đầu tư tại Hoa Kỳ